Ngày 26/11, tại chung cư Goldmart City, 138 Hồ Tùng Mậu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xảy ra vụ việc bé H. (11 tuổi) ngã từ tầng 39 xuống đất thiệt mạng. Sau đó, hình ảnh người cha vật vã khóc ngất khi chứng kiến sự ra đi của cô con gái thứ hai khiến nhiều người không cầm được lòng.
Theo người dân, vào tối 25/11, ban quản lý tòa nhà lập biên bản sự việc về xích mích giữa bố mẹ của bé H., khi bé xin tiền bố đóng học nhưng bố không cho. Ông bố tranh cãi, thậm chí đánh người mẹ và bảo cháu bé xin tiền mẹ.
Sự việc khiến nhiều người đau xót, có thể vì chuyện xô xát giữa bố mẹ khiến cháu bé nghĩ quẩn rồi tự tử. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những cặp vợ chồng có mâu thuẫn nhưng không thể giải quyết riêng, mà muốn lôi cả con cái vào như thể chúng là vật để trút giận hay để chúng vô tình chứng kiến sự việc.
Chứng kiến bố mẹ cãi nhau, con cái sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về thể chất và tinh thần. (Ảnh minh họa)
Là một người từng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu hạnh phúc, anh Nguyễn Văn T. (30 tuổi, trú tại Hà Nội) vẫn không thể quên những hình ảnh bạo lực, những cuộc cãi vã giữa bố mẹ.
Anh T. chia sẻ, bố mẹ anh khi xưa lấy nhau thông qua giới thiệu mai mối của bạn bè và hôn nhân cũng đến nhanh chóng chỉ sau khoảng một tháng tìm hiểu.
Cuộc sống không đủ đầy của hai vợ chồng làm nông dân, cộng với tính cách gia trưởng của người bố, khiến gia đình anh tưởng chừng đã có lúc tan vỡ.
"Khi tôi học lớp hai, bố tôi đánh đập, chửi bới mẹ và cả hai đã viết đơn để ly dị nhưng rồi bạn bè của bố khuyên nhủ, thậm chí xé đơn đi nên cả hai lại tiếp tục chung sống với nhau", anh T. chia sẻ và cho biết, mẹ anh là người thẳng tính, nhiều lúc do không nhẫn nhịn bố anh nên sự việc nhiều lúc càng trở nên tồi tệ.
Chứng kiến bố mẹ suýt ly hôn, T. nói với mẹ rằng, anh muốn được sống với mẹ, bởi anh cũng không hợp với bố. Trong kí ức của anh, có nhiều trận đòn roi khiến anh ấm ức vì người bố cục tính. Những hình ảnh khi anh bị bố trói xích vào cột nhà, rồi lúc người bố cầm chai rượu trong mâm cơm ném về phía người vợ, khiến đứa con trai chỉ biết nói:"Mẹ ơi, mẹ chạy đi".
Sống trong môi trường gia đình không hạnh phúc khiến T. bị trầm cảm, cậu bé lầm lì không nói câu nào với bố khi về nhà, hay lúc trên lớp, T. cũng không trò chuyện, tâm sự với bạn bè, khiến cậu như con rùa lầm lũi.
Để vượt qua quãng thời gian tuổi thơ không hạnh phúc, T. phải nỗ lực rất nhiều khi ra ngoài xã hội, anh cởi mở hơn với mọi người, lắng nghe họ nói.
"Để hình ảnh cuộc đời quá khứ của người bố vũ phu, gia trưởng không lặp lại lần nữa với vợ con tôi, bản thân tôi tự nhủ mình phải yêu thương, lắng nghe và chia sẻ với họ để không phạm phải sai lầm của bố tôi", anh T. tâm sự.
Video: Bố mẹ cãi nhau, con 2 tuổi bị bỏ rơi trong đêm
Phân tích vấn đề trên dưới góc độ tâm lý, PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, một đứa trẻ thường rất nhạy cảm với sự thay đổi tình cảm của bố mẹ chỉ bằng hành động nhỏ.
Ví dụ như trong bữa cơm, con trẻ không thấy bố mẹ gắp thức ăn cho nhau hay việc bố mẹ ngủ riêng..., khiến đứa bé sợ bố mẹ ly hôn.
"Khi đó, để giảng hòa giữa bố mẹ, nó có thể dùng những hành vi để thu hút sự chú ý của bố mẹ. Có trường hợp, đứa trẻ nghĩ ra cách đánh bạn để nếu bố mẹ đều thương con cái, thì họ sẽ gác những vấn đề của nhau lại mà giải quyết cho con cái", PGS.TS. Trần Thành Nam cho hay.
Có đứa trẻ là nạn nhân giữa những trận cãi vã của bố mẹ, điều này khiến nó cảm thấy sự sống của mình gây phiền phức cho bố mẹ.
PGS.TS. Trần Thành Nam
Nhiều cặp vợ chồng còn cãi nhau trước mặt con thì càng khiến chúng bị tổn thương nhiều hơn. Khi đó, con cái sẽ cảm thấy bất an vì nó là người thấp cổ bé họng nhất trong nhà.
Có đứa trẻ là nạn nhân giữa những trận cãi vã của bố mẹ, điều này khiến nó cảm thấy sự sống của mình gây phiền phức cho bố mẹ hoặc gây rắc rối hay khó khăn hơn về tình cảm, tài chính.... Bản thân nó cảm thấy mình chả có giá trị gì trong cuộc sống này. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến trẻ có hành vi dại dột.
"Khi đứa trẻ có quá nhiều áp lực như về học tập, mâu thuẫn giữa nó với bố mẹ hoặc giữa hai bố mẹ, thì sẽ tạo thành áp lực. Nhiều áp lực sẽ khiến nó lo lắng, nếu lặp đi lặp lại sự việc này sẽ khiến nó kiệt sức, dẫn đến trầm cảm.
Khi bị trầm cảm, đứa trẻ sẽ thu mình lại, không muốn chia sẻ với ai nữa và nó sẽ lên kế hoạch tự tử. Nếu không được người thân phát hiện điều này thì sự việc đau lòng sẽ xảy ra", PGS.TS. Trần Thành Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc đứa bé chứng kiến bố mẹ cãi nhau, rồi nó cũng là nạn nhân bị bố mẹ đánh đập cũng khiến đứa trẻ bị tổn thương rất nhiều. Có những trường hợp bị tổn thương không những về thể chất, mà còn về cả tinh thần nhiều năm sau này.
Ví dụ như đứa trẻ bị bạo bố xâm hại tình dục thì đến 30-40 năm sau, nó cũng không dám lấy chồng vì bị ám ảnh, thậm chí nó sẽ không dám kết hôn với bạn khác giới mà sẽ chọn bạn cùng giới để yêu.
Ở Việt Nam, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-24 tuổi. Vấn đề này chỉ sau tai nạn giao thông.