Rạng sáng ngày 16/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Anh Boris Johnson đã bất ngờ tuyên bố thông qua thỏa thuận ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh, quân sự và ngoại giao, viết tắt là AUKUS, trong một buổi lễ trực tuyến.
Đây là một liên minh phòng thủ chiến lược ba bên mới giữa Mỹ, Anh và Australia. Ba nước cam kết hợp tác với nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc; hợp tác phát triển tàu ngầm tấn công chạy bằng nhiên liệu hạt nhân và những công nghệ tiên tiến khác.
Điều đáng nói là ngay sau khi thỏa thuận AUKUS được thông qua, Thủ tướng Morrison cũng bất ngờ tuyên bố chấm dứt kế hoạch đóng mới 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện giữa nước này với tập đoàn Naval Group của Pháp, giá trị của hợp đồng này ước tính lên 66 tỷ USD (gần 90 tỷ AUD) được hai bên triển khai từ năm 2016.
Thủ tướng Scott Morrison quyết định đánh liều với "canh bạc" AUKUS, lợi ích nó mang lại cho Australia không hề nhỏ. (Ảnh: News Concerns)
Cũng theo Thủ tướng Morrison, nước này đang lên kế hoạch đóng mới 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân thay cho các tàu ngầm diesel-điện với sự hỗ trợ từ Mỹ và Anh.
Dĩ nhiên, thông tin này ngay lập tức khiến người Pháp phẫn nộ. Trong tuyên bố chung đưa ra hôm 16/9, Ngoại trưởng Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly của Pháp khẳng định việc Australia hủy bỏ hợp đồng với tập đoàn Naval Group của Pháp trái với "nghị định thư và tinh thần hợp tác" giữa Canberra và Paris.
Vì sao Australia chọn tàu ngầm hạt nhân?
Theo nhận định của một số nhà quan sát, việc Australia quyết định từ bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp để chuyển sang kế hoạch đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân cùng với Mỹ và Anh đều dựa trên ý muốn của Washington.
“Đằng sau câu chuyện này không chỉ nằm ở mong muốn của Mỹ thể hiện vai trò siêu cường hay giá trị lợi nhuận thông thường. Người Mỹ hiện đang thành lập một khối liên minh mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc, với mục tiêu này Australia sẽ là một đối tác có giá trị đối với Washington. Bằng hợp đồng tàu ngầm hạt nhân, Mỹ dễ dàng lôi kéo Canberra vào liên minh này”, chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, thành viên thuộc Hội đồng Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga nhận định.
Có một câu hỏi được đặt ra là Australia liệu có quá vội vàng từ bỏ kế hoạch đóng lớp tàu ngầm tấn công thế hệ mới mà họ đã mất tới gần 5 năm và hàng tỷ USD để phát triển, đổi lại một lời hứa từ Mỹ về một lớp tàu ngầm hạt nhân còn chưa biết sẽ trông như thế nào?
Bên cạnh đó, Mỹ và Anh cam kết hỗ trợ Australia đóng tàu ngầm tấn công hạt nhân nhưng cũng không quên đề cập tới việc con tàu này sẽ không có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Hiện đang có nhiều tranh luận và suy đoán lớp tàu ngầm nào sẽ được chọn, đó có thể là lớp Astute của Anh hoặc lớp Virginia của Mỹ, cũng như việc những con tàu này sẽ được đóng ở đâu.
Dĩ nhiên, xét trên nhiều khía cạnh việc Australia sở hữu một hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ giúp nước này có thể ưu thế trong việc kiềm chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương, bởi những lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân thường có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, khó bị phát hiện và số lượng vũ khí chúng có thể mang theo cũng gấp nhiều lần so với một tàu ngầm diesel-điện.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ giúp Australia có lợi thế trong việc kiềm chế Trung Quốc từ xa.
Tuy nhiên, để tàu ngầm đầu tiên đi vào hoạt động thì hải quân Australia có lẽ phải đợi thêm ít nhất 10 năm nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc biên đội tàu ngầm diesel-điện lớp Collins của Australia sẽ phải kéo dài thời gian hoạt động dù chúng đã phục vụ gần 30 năm.
Sự thật khó chấp nhận đối với Pháp
Đối với tập đoàn Naval Group cũng như ngành công nghiệp quốc phòng Pháp việc để mất một hợp đồng trị giá 66 tỷ USD vào “phút thứ 90” là điều khó có thể chấp nhận ở thời điểm hiện tại, nhất là khi họ bị chính đồng minh “đâm sau lưng”.
Điều đáng nói là cả chính phủ Pháp và Naval Group đều không được báo trước về thông tin Australia sẽ từ bỏ hợp đồng.
Để có được hợp đồng trên, Naval Group đã phải thực hiện các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với Australia về kế hoạch phát triển và quá trình đóng mới 12 tàu ngầm, trước khi hợp đồng được chốt lại vào năm 2016.
Mẫu tàu ngầm mới của hải quân Australia có tên mã là Shortfin Barracuda Block 1A hoặc được biết tới với cái tên lớp Attack, nó được phát triển dựa trên thiết kế lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Barracuda cũng do Naval Group phát triển.
Được biết, phần lớn quá trình đóng mới các tàu lớp Attack sẽ diễn ra tại một chi nhánh của Naval Group ở Adelaide, miền Nam Australia, dĩ nhiên đi kèm hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía Pháp.
Theo kế hoạch do Naval Group công bố, việc khởi đóng các tàu ngầm Attack đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2023 và chúng sẽ đi vào hoạt động trong khoảng đầu những năm 2030. So với dự tính ban đầu, dự án tàu ngầm Attack đã chậm tiến độ rất nhiều, thậm chí ngân sách còn bị đội lên gần 70 tỷ USD từ mức 40 tỷ USD ban đầu.
Có vẻ như Australia đã hết kiên nhẫn với Naval Group khi dự án tàu ngầm Attack liên tục bị trì hoãn về mặt tiến độ và Canberra muốn tìm một phương án thay thế, cùng lúc đó phía Mỹ lại đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn hơn.
Thiết kế tàu ngầm tấn công lớp Attack đang được Naval Group phát triển cho Australia. (Ảnh: Australian Naval Institute)
Với nguồn lực của Naval Group rất khó để công ty này đẩy nhanh dự án tàu ngầm Attack hay đưa ra cho Australia một phương án chế tạo tàu ngầm hạt nhân khả thi. Trong khi đó, Mỹ và Anh cam kết chỉ mất 18 tháng để giúp Australia tìm ra cách tối ưu để đóng lớp tàu ngầm hạt nhân mới, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao trong 10 năm nữa.
Nếu Australia lựa chọn lớp tàu ngầm hạt nhân Astute hoặc lớp Virginia thì mọi việc sẽ càng trở nên dễ dàng hơn khi chúng đều có thể được khởi đóng mới trong thời gian ngắn, bởi hải quân Mỹ và Anh đều có kế hoạch trang bị thêm hai lớp tàu ngầm này.
Năng lực đóng tàu ngầm của Pháp
Sự đổ vỡ của dự án tàu ngầm Attack với Australia có thể được xem là thất bại lớn nhất đối với ngành công nghiệp quốc phòng Pháp trong 10 năm trở lại gần đây, đây cũng là hợp đồng xuất khẩu tàu ngầm lớn nhất của Paris từ trước đến nay.
Tuy nhiên, thất bại này không đến từ năng lực đóng tàu ngầm của Pháp mà do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Phải nói thêm rằng Pháp là một trong số ít nước trên thế giới sở hữu công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân, công nghệ của họ không hề thua kém Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Anh.
Điều này được thể hiện rõ qua việc Pháp tự đóng được tàu ngầm hạt nhân ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước và không ngừng phát triển các mẫu tàu ngầm mới kể từ đó cho đến nay.
Le Triomphant, một trong bốn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Triomphant của hải quân Pháp. (Ảnh: seaforces.org)
Cả 10 tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có trong biên chế hải quân Pháp hiện nay đều do nước này tự thiết kế và đóng mới, gồm: Triomphant, Rubis và Barracuda. Cả ba lớp tàu này đều do tập đoàn DCNS phát triển, chính là Naval Group ngày nay.
Công nghiệp quốc phòng Pháp nói chung hay Naval Group nói riêng thừa công nghệ lẫn kinh nghiệm để phát triển các mẫu tàu ngầm tấn công tiên tiến. Không phải ngẫu nhiên mà Australia lựa chọn Naval Group cho kế hoạch phát triển tàu ngầm Attack bởi trước đó họ đã làm việc với rất nhiều công ty đóng tàu hàng đầu đến từ châu Âu và cả châu Á.
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, Pháp còn khá nổi tiếng với lớp tàu ngầm tấn công diesel-điện Scorpène, với 11 tàu được đóng trong giai đoạn 1999 cho đến nay, hiện đang phục vụ trong hải quân Chile, Brazil, Ấn Độ và Malaysia.