Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng không triển khai thu phí điện tử tại 7 trạm BOT

3 trạm thu phí hoàn vốn Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 được kiến nghị không triển khai thu phí điện tử không dừng do có thời gian thu phí còn lại quá ngắn.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công văn số 12458/BGTVT – ĐTCT ngày 7/12/2020 về việc triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng vừa được Bộ GTVT gửi tới Thủ tướng.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép không triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí hoàn vốn Quốc lộ 51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn, cũng như chưa triển tại 2 trạm (Bờ Đậu – Quốc lộ 3, trạm T2 – Quốc lộ 91) do chưa đủ điều kiện triển khai thu phí điện tử không dừng.

Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ cho lùi thời gian triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm Cầu Mỹ Lợi và trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh) và giao Bộ GTVT xem xét, quyết định thời điểm triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Cà Mau về việc không triển khai thu phí không dừng đối với 4 trạm thu phí do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Triển khai thu phí tự động không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Được biết, Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai được triển khai đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là chủ đầu tư dự án. Dự án được triển khai từ năm 2009, hoàn thành năm 2012 với chiều dài 73km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 3.970 tỷ đồng. Dự án sử dụng 3 trạm thu phí để thu phí hoàn vốn (trạm T1 tại Km 11, trạm T2 tại Km 28+480 và trạm T3 tại Km 56+450). Theo Hợp đồng đã ký, thời gian bắt đầu thu phí từ năm 2009 khi bắt đầu thực hiện dự án và dự kiến kết thúc hoàn vốn vào năm 2034.

Theo phương án tài chính dự án, dự kiến năm 2018 dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song hành dự án Quốc lộ 51 sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác, lưu lượng xe của dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đến nay dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa triển khai thực hiện dẫn đến lưu lượng xe thực tế của dự án cao hơn so với phương án tài chính dự kiến; đồng thời sau khi cập nhật số liệu đầu vào trong phương án tài chính theo thực tế (như giá trị quyết toán vốn đầu tư, lãi vay, chi phí quản lý bảo trì,...) dẫn đến thời gian thu phí của dự án có nhiều thay đổi so với Hợp đồng đã ký. Theo tính toán, thời gian thu phí của dự án dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2021.

Trường hợp triển khai thu phí điện tử không dừng tại dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị thu phí không dừng khoảng 83 tỷ đồng. Với thời gian thu phí của dự án còn lại rất ngắn khoảng chưa đến 1 năm, việc đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng với chi phí lớn sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của cả dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng. Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Nhà cung cấp dịch vụ thu phí kiến nghị không triển khai thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí này.

Trong khi đó, trạm thu phí Bờ Đậu hoàn vốn dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và Trạm T2 trên Quốc lộ 91 hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL91 và QL91B, TP. Cần Thơ trong quá trình triển khai thu phí hoàn vốn còn một bộ phận người dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông tại trạm thu phí dẫn đến các trạm phải tạm dừng thu. Liên quan đến nội dung này, tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 2/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “về đề xuất sử dụng nguồn vốn NSNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xử lý đối với các dự án BOT có yêu cầu cấp thiết phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội: giao Bộ GTVT chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá kỹ từng dự án, đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”.

Như vậy, đến 31/12/2020, 2 trạm thu phí (Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91) do chưa thể triển khai thu phí hoàn vốn được nên việc triển khai thu phí điện tử không dừng không thực hiện được. Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương tại các trạm thu phí này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp triển khai thu phí điện tử không dừng đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế.

Đối với 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm Cầu Mỹ Lợi và trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh), Bộ GTVT cho biết là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ đã nhiều lần tổ chức đàm phán với nhà đầu tư các dự án BOT nêu trên để triển khai thu phí điện tử không dừng. Tuy nhiên, doanh thu thu phí của các dự án quá thấp, hiện không đủ để trả lãi vay ngân hàng nếu triển khai thu phí điện tử không dừng tại thời điểm này sẽ tiếp tục phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT, các ngân hàng không tiếp tục cung cấp tín dụng để thực hiện và ảnh hưởng xấu tới phương án tài chính dự án thu phí điện tử không dừng.

Do vậy, Bộ GTVT đề xuất chưa triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí nêu trên, trong thời gian tới khi doanh thu tại trạm này đảm bảo sẽ tiếp tục triển khai hệ thống.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc không triển khai thu phí không dừng tại 4 trạm thu phí do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền do các trạm này thu phí các công trình cầu có quy mô nhỏ (tổng mức đầu tư không quá 50 tỷ đồng), xe ô tô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là mô tô 2 bánh, việc lắp đặt thiết bị thu phí không dừng với chi phí đầu tư lớn sẽ không hiệu quả và phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT.

Nguồn: Báo Đầu Tư

Tin mới