Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bỏ giếng khoan để lắp nước sạch, dân Đa Phước 'được' dùng nước đục

Được vận động bỏ giếng khoan để lắp nước sạch, nhưng người dân xã Đa Phước (TP.HCM) thường xuyên chịu cảnh nước máy có màu vàng, vẩn đục.

Nước sạch thường xuyên bị đục

Phản ánh với VTC News, ông Võ Văn Chánh (67 tuổi, ngụ ấp 1, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, gia đình ông lắp nước máy hơn một năm nay. Tuy nhiên, nói là nước sạch nhưng ông cùng các hộ dân xung quanh thường xuyên phải chịu cảnh nước chảy ra có màu vàng đục, thỉnh thoảng có màu như chocolate.

"Tình trạng này tồn tại từ những ngày chúng tôi mới lắp nước máy cho đến nay, đặc biệt thường xuyên xảy ra vào những ngày cuối tuần, sau khi bị cúp nước hoặc sau mưa. Trước đây, chuyện này xảy ra một tháng khoảng 5 - 7 lần, giờ đỡ hơn nhưng cũng 3 - 4 lần một tháng”, ông Chánh cho biết.

Trước thực trạng này, để có nước sử dụng, gia đình ông mua một thùng phuy và bơm nước dự trữ trong những ngày nước không có hiện tượng đục. Bên cạnh đó, họ cũng mua vòi lắng cặn để ngăn màu.

Chúng tôi phải lắng qua nhiều lần mới dám dùng nước. Lúc mới mua, vòi lắng cặn màu trắng, nhưng chỉ cần lắng vài ngày là đổi màu ngay. Bình thường nước cũng có màu hơi vàng rồi, thỉnh thoảng nặng hơn là thành màu chocolate luôn”, ông Chánh nói.

 Bình thường nước máy các hộ dân sử dụng luôn có màu vàng đục nhẹ. 

Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Lê Hoàng Sơn phải mua nhiều lu dùng để lắng cặn. Mỗi lần nước đổi màu, anh lại bơm vào lu để chờ lắng trong 3 - 4 ngày. Nước sau khi lắng, anh dùng để rửa chén bát, giặt đồ và tắm chứ không dám dùng để nấu ăn.

Theo nhiều người dân xã Đa Phước, trước đây họ sử dụng nước giếng khoan của tư nhân. Tuy nhiên, từ thời điểm TP.HCM chủ trương 100% người dân thành phố có nước sạch để dùng, họ chuyển qua lắp đặt nước máy. Nhưng cũng từ thời điểm đó, nguồn nước họ sử dụng không còn đảm bảo an toàn.

Ngày xưa dùng nước giếng không thật sự tốt nhưng mà không vàng đục thường xuyên thế này. Mà giờ giếng không còn nữa, mình phải chịu chứ biết làm sao”, một người dân ở Đa Phước chia sẻ.

Dùng nước không đảm bảo suốt thời gian dài, người dân nơi đây cũng phải chấp nhận vì nếu không còn nguồn nước sinh hoạt khác. “Mỗi lần họp tổ dân phố, chúng tôi đều ý kiến. Rồi thỉnh thoảng những người thu tiền nước vào thu tiền, chúng tôi cũng phản ánh nhưng họ chỉ ghi nhận rồi để đó”, anh Sơn cho biết.

Nhiều người phản ánh, không chỉ xã Đa Phước mà xã Phong Phú (huyện Bình Chánh) sát bên cũng chịu cảnh tương tự. Tuy nhiên, tại xã Phong Phú, tình trạng nước đổi màu vàng không nghiêm trọng bằng. Quá quen với việc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo, dân ấp 1 chỉ mong sớm được dời đến sống ở nơi khác. 

Gia đình ông Chánh phải mua vòi lắng cặn để lọc nguồn nước máy. 

Khu vực này thuộc diện quy hoạch, giải tỏa, nhưng mà dự án cũng treo khoảng 10 năm nay rồi. Tôi chỉ mong chính quyền sớm di dời chúng tôi đến khu tái định cư để chúng tôi có thể ổn định cuộc sống”, ông Chánh chia sẻ.

Không được sử dụng nước sạch nhưng mỗi tháng vẫn phải đóng đủ hàng trăm nghìn đồng tiền nước, người dân ở Đa Phước đến nay chỉ biết than thở và chờ đợi chính quyền giải quyết cho di dời. Thế nhưng chừng nào còn phải sử dụng nguồn nước máy vẩn đục, chừng đó sức khỏe của họ vẫn còn bị đe dọa.

Đục vì ít sử dụng?

Liên quan đến sự việc này, trả lời VTC News, ông Trần Kim Thạch - Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng nước (Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco) cho biết, Sawaco có nhận được công văn của UBND xã Đa Phước vào tháng 5/2019 về việc người dân phản ánh chất lượng nước như bị đục, ố vàng…

"Sau khi nhận được phản ánh, đại diện Tổng Công ty đến địa phương kiểm tra và lấy mẫu đi phân tích. Tại thời điểm kiểm tra, trong nước không có mùi vị lạ, chất lượng nước đảm bảo đúng quy định", đại diện Sawaco cho biết.

 Hệ thống xử lý nước sạch từ lúc được bơm dưới sông lên cho tới khi đến từng gia đình tại Nhà máy nước Thủ Đức.

Theo ông Thạch, nhà máy nước ngầm Bình Hưng là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch sau xử lý cho xã Đa Phước và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh). Trong quá trình cung cấp nước, một số khoáng chất như sắt, mangan, kẽm,… theo thời gian sẽ kết hợp với lượng Clor dư gây ra hiện tượng lắng cặn trên đường ống. Chính vì vậy, một số thời điểm khi có xáo trộn thủy lực trên đường ống sẽ gây hiện tượng nước bị vàng đục.

Đây là nguyên nhân khiến một số khu vực cuối nguồn, khu vực người dân ít sử dụng nước máy như xã Đa Phước dễ gặp tình trạng vàng đục.

Bên cạnh đó, ông Thạch cũng thông tin, nguồn điện tại Công ty Bình Hưng không phải nguồn điện ưu tiên. Khi mất điện, từ 1 - 2 tiếng sau khi có điện, hệ thống dẫn nước sẽ tự động xả lắng cặn, dẫn đến tình trạng bị đục.

Sawaco cho biết đang thực hiện nghiên cứu ứng dụng công nghệ cải tiến trong xử lý nước sạch. 

"Hiện chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy thay cho giếng khoan để đảm bảo sức khỏe, đồng thời giúp nguồn nước máy trong hệ thống được lưu chuyển thường xuyên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện việc súc xả thường xuyên ở các khu vực cuối nguồn, khu vực ít sử dụng nước sạch, khu vực có phản ánh để đảm bảo nguồn nước ổn định. Theo ghi nhận, từ tháng 7/2019 đến nay chất lượng nước ở Đa Phước đã ổn định", ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, Sawaco đang thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong cải tiến, nâng cao công nghệ xử lý để giảm thiểu tối đa các khoáng chất dễ gây lắng cặn trong đường ống dẫn nước tại TP.HCM trong thời gian tới.

Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước Trần Kim Thạch cho biết, chủ trương thời gian tới của Sawaco là giảm khai thác nước ngầm.

Được biết, hiện TP.HCM có 3 nhà máy khai thác nước ngầm là Tân Phú, Tân Túc và Bình Hưng với tổng công suất cung cấp nước là 6%.

Dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ ngưng toàn bộ việc khai thác nước ngầm.

Nhật Linh

Tin mới