Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Giao thông Vận tải: 9 dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công

Tới hết tháng 5, dù thuộc nhóm giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng Bộ GTVT vẫn còn 9 dự án triển khai chậm so với yêu cầu.

Trong nửa cuối năm, dự kiến bộ này phải giải ngân đạt bình quân khoảng 5 nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Theo Bộ GTVT, tới nay bộ đã phân bổ 90% trong tổng số hơn 50,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được giao cả năm. Luỹ kế tới hết tháng 5 này, Bộ GTVT dự kiến giải ngân hơn 15 nghìn tỷ đồng (đạt gần 35% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung cả nước).

Tuy nhiên, trong số 35 đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn (trên 50 tỷ đồng), chỉ 17 đơn vị giải ngân vượt 33%, còn một số chủ đầu tư giải ngân chậm, như: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chậm 380 tỷ đồng; Sở GTVT Đồng Tháp chỉ giải ngân được 7 tỷ đồng (1,8%); Sở GTVT Tuyên Quang giải ngân được 2,4 tỷ đồng (1,2%)…

Các chủ đầu tư giải ngân thấp viện dẫn nhiều lý do cho sự chậm trễ, như: Mới được giao vốn; đang triển khai đấu thầu; gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng; mưa kéo dài. Đặc biệt, Bộ GTVT đánh giá, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các đơn vị và nhà thầu…

Hiện có 9 dự án giao thông giải ngân chưa đạt yêu cầu, gồm: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; quốc lộ 279B; quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, quốc lộ 15; dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất.

Công trường thi công đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Với cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, có 4 đoạn phải hoàn thành trong năm nay, gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Theo ông Thể, để đẩy nhanh tiến độ, vừa qua các chủ đầu tư đã áp dụng nhiều biện pháp, như: Tăng ca, tăng máy móc khi được giải quyết khó khăn về vật liệu đất đắp nền. Đặc biệt, các chủ đầu tư đã thực hiện cắt giảm khối lượng của nhà thầu thi công chậm sang các nhà thầu thực hiện tốt hơn.

“Việc cắt chuyển khối lượng, cương quyết với nhà thầu yếu kém, giải cứu tiến độ các gói thầu là cần thiết, song cũng phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, thủ tục, năng lực nhà thầu”, ông Thể nói.

Theo Bộ trưởng Thể, từ nay tới cuối năm, mỗi tháng các đơn vị của bộ phải giải ngân bình quân 5 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng GTVT yêu cầu các chủ đầu tư có kế hoạch giải ngân vốn cho từng dự án theo tháng, không để dồn vào cuối năm, khi bước vào mùa mưa sẽ rất khó khăn cho triển khai thi công và giải ngân.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới