Sáng 6/11, tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng GD&ĐT về việc Bộ đã tham mưu cho Chính phủ lên khái toán cho việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với mức đầu tư trên 4.200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã tiêu bao nhiêu tiền từ nguồn vay Ngân hàng thế giới (WB) để xây dựng chương trình, làm bộ sách giáo khoa và tập huấn giáo viên?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay Bộ GD&ĐT không sử dụng khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới (hơn 16 triệu USD) dùng để biên soạn SGK theo Nghị quyết 122/2020/QH14 của Quốc hội như kế hoạch ban đầu.
Thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, tăng cường kiểm soát chất lượng, trừ trường hợp không có bộ sách nào thì Bộ sẽ tổ chức biên soạn theo Nghị quyết 122/2020/QH14. Bộ trưởng cũng thông tin rằng đối với xây dựng chương trình giáo dục mới thì đã chi tiêu khoảng 12 triệu USD.
Sau khi rà soát loại trừ những hoạt động, chi phí không thiết thực, hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã trả lại ngân sách 29,7 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời câu hỏi chất vấn.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ GD&ĐT khẳng định, vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đi cùng với đó là tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa.
"Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã tiết kiệm được ngân sách Nhà nước. Trừ trường hợp không có cuốn sách nào được nhà xuất bản biên soạn, thì Bộ sẽ thực hiện đúng theo biên soạn một bộ sách theo Nghị quyết 122 của Quốc hội", Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm.
Cùng trong phiên họp chất vấn sáng nay, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) có những băn khoăn liên quan đến việc dạy văn hóa trong trường nghề.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nha, đây vấn đề hết sức phức tạp, cho nên Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các ban soạn thảo Thông tư mới phù hợp tình hình thực tiễn hơn.
Trong Luật Giáo dục sửa đổi quy định, các trường nghề được dạy khối lượng văn hóa do Bộ GD&ĐT quy định. Do đó, chúng tôi đã lấy ý kiến và làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thảo luận vấn đề này.
Đến nay đã xong dự thảo Thông tư và đang xin ý kiến rộng rãi. Cố gắng cuối năm nay là xong, vì còn nhiều vấn đề cần đối chiếu mạch lạch, để tránh tình trạng nhần lẫn, chống chéo giữa trường phổ thông với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dạy nghề, Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Trong quá trình chờ Thông tư mới, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề vẫn sẽ thực hiện giảng dạy theo Công văn số 4656 (ngày 2/11) về phân bổ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các trường nghề.