Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ GD&ĐT: 'Nhập nhèm' sách giáo khoa và tham khảo, hiệu trưởng sẽ bị xử lý

(VTC News) -

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, nếu có sai phạm trong việc trang bị, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, hiệu trưởng sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 28 về Điều lệ trường Tiểu học với nhiều điểm đổi mới trong hoạt động giảng dạy, hình thức kỷ luật học sinh và đặc biệt quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc sử dụng, lựa chọn sách giáo khoa, sách tham khảo.

Không ép học sinh mua sách

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Thông tư 28 có quy định ngăn chặn và xử lý vấn đề đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh bức xúc, đó là hiện tượng một số trường “nhập nhèm” trong cung cấp sách giáo khoa kèm sách tham khảo.

Theo đó, trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và được UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD&ĐT ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Thái Văn Tài nhấn mạnh, các trường lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, yêu cầu tiên quyết là “mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”.

Thông tư 28 phân rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong trường tiểu học là của hiệu trưởng. Như vậy nếu có sai phạm trong việc trang bị, sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo ở cơ sở giáo dục tiểu học, hiệu trưởng sẽ bị chịu xử lý trách nhiệm

Học sinh tiểu học. (Ảnh: Q.T)

Giáo viên tự quyết nội dung dạy

Một điểm mới khác trong Thông tư 28 ban hành Điều lệ trường tiểu học mới là “cởi trói” cho nhà trường, giáo viên được tăng cường giao quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn.

Ông Thái Văn Tài cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ quy định số tiết/năm, không quy định số tiết/tuần. Đồng thời sách giáo khoa cũng không xây dựng bài học theo từng tiết dạy như chương trình trước đây.

Điều này cho phép các nhà trường chủ động sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở mình…

Các trường tiểu học sẽ được tự chủ chuyên môn trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Trường phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục hằng năm, dựa trên nền tảng chương trình giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành; kết hợp với xây dựng các nội dung bổ trợ cho người học đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Đồng thời, các trường có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.

Lãnh đạo các trường tiểu học chủ động xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Giáo viên sẽ chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. 

Quy định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

(Ảnh minh hoạ: C.H)

Không phê bình học sinh trước lớp

Thông tư 28 quy định giáo viên tuỳ theo mức độ vi phạm của học sinh có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật: nhắc nhở, hỗ trợ học sinh tiến bộ hơn; thông báo với phụ huynh nhằm phối hợp giúp đỡ các em khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình trước lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với phụ huynh.

Việc thay đổi quy định về kỷ luật học sinh nhằm khắc phục hạn chế của các hình thức kỷ luật trước đây, trên tinh thần tôn trọng tối đa quyền lợi của người học, vì sự tiến bộ của các em, phù hợp với tâm lý trẻ và quan điểm giáo dục hiện đại.

“Quy định mới hoàn toàn không gây khó khăn cho giáo viên và nhà trường trong quản lý học sinh. Ngược lại, sẽ giúp việc giáo dục học trò hiệu quả hơn khi các em cảm thấy được tôn trọng, đảm bảo quyền riêng tư, không bị xấu hổ với bạn bè. Trẻ sẽ cảm nhận trường học nơi an toàn và các em sẵn sàng mở lòng sẻ chia, lắng nghe những góp ý, chỉ dạy của thầy cô để tiến bộ”, ông Tài nói.

Hà Cường

Tin mới