Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ GD&ĐT 'sẽ tính toán lại' đề xuất miễn học phí con giáo viên

(VTC News) -

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến dư luận, trên cơ sở đó tính toán lại sao cho phù hợp hài hòa giữa các ngành nghề, chính sách đồng thuận cao mới đưa vào luật.

Trước đề xuất miễn học phí cho con giáo viên gây tranh cãi dư luận những ngày gần đây, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi cơ quan quản lý đưa ra đề xuất mới và nhận phản hồi của dư luận là điều bình thường.

"Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất này với mong muốn có chính sách ủng hộ cho con nhà giáo, coi như chính sách ưu tiên của ngành", ông Đức nói và nhấn mạnh mục đích, giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Đề xuất nhận nhiều quan điểm trái chiều trong xã hội. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, của xã hội và cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.

Đây mới chỉ là dự thảo, chưa phải ý kiến cuối cùng đưa vào luật. Đặc biệt, khi đưa ra bất cứ chính sách nào, Bộ GD&ĐT phải đánh giá tác động, chính sách nào nhận được đồng thuận cao mới đưa vào luật sao cho phù hợp.

"Với dự kiến miễn học phí cho con giáo viên vừa đưa ra, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dư luận với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo để có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội và công bằng với các ngành nghề khác", Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho hay.

Ngày 8/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này. Tuy nhiên, đề xuất vấp phải nhiều tranh cãi từ dư luận.

Hà Cường

Tin mới