Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT cho biết, học sinh lớp 1, lớp 2 là đối tượng đặc biệt vì các em đang trong độ tuổi cần hình thành thói quen, kỹ năng cơ bản và cũng là lứa học sinh đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, từ đầu năm học 2021 - 2022 nhiều nơi không được đến trường học trực tiếp.
Vì thế, khi mở cửa trường học trở lại, các trường cần dành thời gian nhất định để ưu tiên bù đắp những kỹ năng cần thiết để có tâm thế sẵn sàng bước vào môi trường học tập trực tiếp. Cụ thể các trường cần giúp học sinh tìm hiểu công năng sử dụng của trường học, sử dụng nhà vệ sinh, uốn nắn tư thế ngồi học, cầm bút, kỹ năng giao tiếp...
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.
Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc giáo dục cần linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Các trường nên có các lớp học linh hoạt phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, không phải theo cấu trúc lớp truyền thống để đảm bảo bù đắp những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cho đối tượng học sinh này.
Năm học 2021 - 2022 là năm học phi truyền thống về khung thời gian năm học, với mục tiêu đảm bảo lớp học an toàn, kiên trì duy trì chất lượng. Khi học sinh trở lại, các trường tiểu học cần có hình thức để kiểm tra thực chất mức độ tiếp nhận chương trình của học sinh. Từ kết quả thực chất đó mới cân nhắc, điều chỉnh khung thời gian năm học phù hợp.
"Khi cần thiết có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh", ông nói.
Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn và công điện mới nhất của Bộ trưởng là các hình thức, kiểm tra đánh giá phải thực chất. Khi đó chúng ta sẽ có hình thức kiểm tra, đánh giá đối với từng em để phản ánh đúng thực chất. Từ kết quả kiểm đánh giá thực chất, chúng ta thực hiện khung thời gian năm học cho phù hợp.
Khung thời gian năm học trước đây, chúng ta thường thực hiện đồng loạt cho cả tỉnh hoặc quy mô địa bàn lớn, nhưng hiện nay Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình dịch bệnh để nới rộng khung thời gian năm học trong điều kiện cần thiết để thêm thời gian cho các con học tập và đảm bảo chất lượng học tập, đảm bảo mục tiêu chất lượng. Khi đó, chúng ta mới bù đắp các khoảng trống trước đây mà tình hình dịch bệnh khiến chúng ta phải thực hiện các hình thức học tập khác
Việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi địa bàn nhỏ nhất là phường, xã đối với đối tượng học sinh nhỏ nhất là học sinh mầm non, tiểu học trên tinh thần ưu tiên số 1 cho chất lượng và tính toán, cân nhắc để các trường có khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc năm học, chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp.