Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công Thương lý giải việc rút xăng dầu Xuyên Việt Oil khỏi danh sách thanh tra

Vụ Thị trường trong nước và Thanh tra Bộ Công Thương vừa giải thích việc rút Xuyên Việt Oil ra khỏi kế hoạch thanh kiểm tra năm 2021.

Lý do rút Xuyên Việt Oil và Hải Hà khỏi kế hoạch thanh tra, kiểm tra

Thanh tra Bộ Công Thương giải thích việc tháng 5/2021, bộ này lại ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Trong đó, rút khỏi kế hoạch thanh tra với Công ty Xuyên Việt Oil.

Cụ thể, ngày 31/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu năm 2021 đối với một số thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil, không có Công ty Hải Hà.

Tuy nhiên, việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp bị gián đoạn, không thể thực hiện do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị về việc hạn chế đi lại (từ tháng 4 đến hết 10/2021). Do đó, Bộ Công Thương không thể tổ chức các đoàn kiểm tra theo kế hoạch.

Đồng thời, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil bị hết hạn (vào tháng 8/2021). Theo đó, công ty đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương xem xét, cấp lại giấy phép này (vào tháng 11/2021).

"Tại thời điểm đó, công ty đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP", đơn vị chức năng Bộ Công Thương giải thích.

Theo Thanh tra Bộ Công Thương, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, cập nhật thông tin về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra của Bộ Công Thương, Thanh tra Bộ đã tổng hợp việc xin điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra năm 2021 báo cáo lãnh đạo. Sau khi xem xét, lãnh đạo Bộ đã thống nhất và ký ban hành Quyết định về việc điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra năm 2021 của Bộ Công Thương (Quyết định số 1392/QĐ-BCT ngày 13/5/2021).

"Như vậy, việc Bộ Công Thương ban hành Quyết định về việc điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra năm 2021 là hoàn toàn khách quan, phù hợp với tình hình thực tế", Bộ này khẳng định.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, thông tin Bộ ban hành Quyết định số 3103/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2022 với khoảng 20 doanh nghiệp, nhưng không có Xuyên Việt Oil, là chưa đầy đủ.

Bởi năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành 4 quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil.

Kết thúc quá trình thanh tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính Công ty Xuyên Việt Oil 390 triệu đồng và tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng, từ 10/8-13/9/2022.

Năm 2023 tiếp tục kiểm tra loạt doanh nghiệp xăng dầu

Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước cho biết, ngày 24/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023 đối với một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil, Công ty Hải Hà, Công ty Thiên Minh Đức.

Đến thời điểm hiện tại, việc kiểm tra đã được tiến hành với Công ty Xuyên Việt Oil.

Căn cứ kết quả kiểm tra và đối chiếu với quy định hiện hành về xử lý vi phạm, Bộ Công Thương đã thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil.

Bộ Công Thương đang triển khai việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp còn lại.

Thanh tra Bộ Công Thương thông tin thêm: Ngày 23/12/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm tra năm 2023, theo đó Xuyên Việt Oil không nằm trong kế hoạch. Tuy nhiên, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu, năm 2023, Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với công ty này.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, ngày 11/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BCT về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil. 

Quyết định này được đưa ra trên cơ sở kết quả kiểm tra đối với Công ty Xuyên Việt Oil và trên cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng việc công ty không khắc phục được các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về Quỹ Bình ổn giá theo phản ánh từ Bộ Tài chính.

Tình hình sửa đổi, bổ sung hai nghị định kinh doanh xăng dầu

Về vấn đề xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Vụ thị trường trong nước cho biết Bộ Công Thương đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn để cung ứng xăng dầu cho thị trường, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cụ thể, rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.

Sửa đổi quy định cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 03 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu cho người tiêu dùng.

Bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.

Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân, theo đó, đối với một số trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ, Nghị định quy định thời gian cho phép thương nhân khắc phục vi phạm trong thời gian chín mươi (90) ngày. Sau thời gian này, nếu thương nhân không khắc phục được vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Việc quy định như trên nhằm tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.

Bổ sung quy định về việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế việc doanh nghiệp gian lận, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới