Nội dung được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo gửi Quốc hội ngày 29/4. Theo đó, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển công nghiệp - vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nay đã chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam 3 lần thất bại trong việc bán đấu giá. (Ảnh: Một thế giới)
Bộ Công Thương cho biết Vinapaco đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi lên đến 592,3 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Do đó, ngày 31/10/2019, PVcomBank khởi kiện Vinapaco, yêu cầu tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền 592,3 tỷ đồng.
Trước diễn biến trên, ngày 15/1/2020, Bộ Công Thương kiến nghị với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành và đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện vụ việc đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo của Chính phủ để xem xét, xử lý.
Không chỉ nợ đầm đìa, báo cáo của Bộ Công Thương còn cho thấy dự án đang gặp khó khăn trong quá trình thanh lý tài sản. Cụ thể, năm 2017, Vinapaco đã tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công.
Đến cuối 2017, dự án vay 75 triệu USD từ Quỹ Tích lũy để trả nợ, và tăng lên 89 triệu USD vào tháng 9/2018. Thủ tướng đã chỉ đạo dừng đầu tư dự án và giao Bộ Công Thương bán thanh lý tài sản, nhưng hiện vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Tháng 10/2019, Bộ Công Thương một lần nữa yêu cầu Vinapaco thuê tư vấn định giá lại toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho dự án và công việc này đang thực hiện.
Theo kết quả kiểm toán quyết toán dự án tại thời điểm 31/12/2015, tổng công nợ phải thu của dự án này là hơn 18.700 tỷ đồng. Sau thu hồi, bù trừ công nợ, hiện số nợ phải thu là 4.055 tỷ.