Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bộ Công an: Không né tránh trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí

(VTC News) -

Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ Công an xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Với vai trò nòng cốt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong năm 2024, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã nỗ lực cố gắng với tinh thần "4 hơn" và "3 không".

"4 hơn" là quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Còn, 3 "không" là không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan.

Năm qua, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND; tiếp tục phát huy tính gương mẫu đi đầu lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả các mặt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nội bộ Bộ Công an đã thực hiện với tinh thần "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Đồng thời, Bộ Công an tăng cường chấn chỉnh, đấu tranh với "bệnh sợ trách nhiệm", làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp; xác định đây là khâu "then chốt" để xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị khóa XIII.

Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ Công an chú trọng rà soát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng, đấu thầu, đấu giá, giám định, định giá tài sản...

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Bộ Công an với các cơ quan giám định, định giá tài sản được duy trì thường xuyên, kịp thời cung cấp hồ sơ, tài liệu để đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá tài sản, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Bộ Công an đã kiên quyết đấu tranh, xử lý đối với các trường hợp lợi dụng công tác giám định, định giá tài sản để tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt và phối hợp có hiệu quả với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kịp thời phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định.

Song song với đó, Bộ cũng xây dựng cơ chế khuyến khích phòng ngừa tội phạm, huy động sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là bảo vệ người tố cáo, phản ánh tham nhũng, tiêu cực.

Thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 1.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 500 cây vàng SJC... trong vụ Phúc Sơn.

Trong công tác truy tố, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong, ngoài ngành công an, tổ chức điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án.

Với phương châm "tập trung xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", những đại án được dư luận quan tâm như Thuận An, Phúc Sơn, Xuyên Việt Oil…đã được các cơ quan điều tra trong Bộ Công an chủ động nhận diện, quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh, điều tra, thu thập chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội, từ đó kết luận điều tra, đề nghị truy tố, xét xử phù hợp với thực tế, đúng pháp luật nhằm răn đe, cảnh tỉnh chung.

Về công tác phòng chống lãng phí, lực lượng công an bước đầu nhận diện tình trạng và nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trên một số lĩnh vực, đã chỉ đạo tập trung xử lý một số vụ án gây thất thoát, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng do kéo dài, đội vốn, đầu tư không hiệu quả; lãng phí trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản.

Một số vụ án điển hình như Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh; khởi tố làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) do bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước...

Từ ngày 15/1 đến 14/10, các cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra hơn 6.700 vụ án, khởi tố hơn 11.800 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, khởi tố mới gần 3.500 vụ, hơn 7.300 bị can; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố hơn 3.800 vụ án, hơn 8.200 bị can và đang điều tra hơn 2.400 vụ án, cùng hơn 3.200 bị can.

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, Bộ Công an đã thụ lý, điều tra 22 vụ án, 605 bị can; đã kết luận điều tra 12 vụ, 486 bị can; còn 10 vụ án, 119 bị can đang được điều tra.

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn điều tra tiếp tục được quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, kịp thời phong tỏa, kê biên, tạm giữ nhiều tài sản phục vụ thu hồi tối đa cho Nhà nước.

Điển hình như vụ Xuyên Việt Oil đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa hơn 1.100 tỷ đồng, gần 700.000 USD và nhiều tài sản giá trị khác; vụ Phúc Sơn đã thu hồi hơn 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 1.400 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 500 cây vàng SJC...

Theo Bộ Công an, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng đầu; coi phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng tiêu cực; sớm có biện pháp cụ thể đưa thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, trở thành "tự nguyện", "tự giác" như cơm ăn áo mặc hàng ngày.

Minh Tuệ

Tin mới