Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là sẽ không còn chế độ "viên chức suốt đời". Đây là thay đổi có tình bước ngoặt, tác động sâu sắc tới hệ thống hành chính công vụ trong cả nước.
Về quy định mới này, phóng viên VTC News có cuộc phỏng vấn ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, người từng nhiều năm giữ chức Tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, người từng nhiều năm giữ chức Tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
- Từ 1/7/2020, chế độ "viên chức suốt đời" sẽ chính thức bị bãi bỏ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người chưa phân biệt rõ khái niệm công chức và viên chức, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta đang nhập nhằng phân biệt khái niệm về công chức, viên chức hay cán bộ. Đây là một trong những lý do khiến quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam diễn ra chậm chạp.
Cần phân biệt rõ ràng rằng, công chức là cán bộ thực thi công vụ, thực thi quyền lực Nhà nước. Trong khi đó, viên chức là những người thực thi các dịch vụ công của Nhà nước. Hai khái niệm này có ý nghĩa và vai trò khác nhau: Công chức có tính chuyên môn, kỹ thuật cao, bên viên chức lại nặng về nghiệp vụ và tuân thủ quy định pháp luật.
Chúng ta cần phân định rõ, để có chế tài và quy định cụ thể hơn cho từng bộ phận cán bộ. Từ đó, đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính Nhà nước theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
- Quy định “bỏ viên chức suốt đời” được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ì, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm. Với quy định này sẽ không còn có chuyện “ấm chân đến già”, “ngồi một chỗ không bao giờ đuổi được”, thưa ông?
Đó là điều chính xác. Công việc hành chính chung của xã hội đòi hỏi phải có tính phát triển. Cho nên, không thể có chuyện "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Tôi cho rằng, tư tưởng cải tổ trên là rất cần thiết và trong thực tế được nêu ra từ năm 2000. Tuy nhiên, phải gần 20 năm sau, chúng ta mới xem xét lại và bắt đầu thực thi.
Trước đây, nếu là công chức, viên chức thì vĩnh viễn được giữ nguyên chế độ chính sách theo quy định chung của pháp luật. Hiện nay, sau khi luật sửa đổi và đi vào cuộc sống, sẽ không còn quy định chính sách viên chức vĩnh viễn nữa, mà thực hiện theo diện hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn.
Nhìn chung, chương trình cải cách hành chính đối với viên chức và công chức là công cụ của nền hành chính công vụ hiện đại, được áp dụng nhiều nước trên thế giới.
Trong chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thông qua luật sửa đổi quan trọng này.
- Nhiều viên chức không chịu làm việc mà suốt ngày chỉ đi tìm sơ hở của lãnh đạo, của đồng nghiệp để kiện cáo vì họ biết rằng đã có một suất “biên chế cả đời” rồi, nên không ai có thể đuổi việc được?
Đúng vậy. Có hiện tượng này ở một số cơ quan, đơn vị các cấp. Tuy không phổ biến, nhưng gây ra ảnh hưởng không tốt trong bộ máy hành chính công.
Nhân viên cấp dưới dựa vào những sơ hở của lãnh đạo, đồng nghiệp để thực hiện các hành vi không tốt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới úy tín của tập thể và cá nhân.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Đây là hệ lụy đáng tiếc của cơ chế “biên chế cả đời”. Hiện tượng này xảy ra do công tác quản lý còn yếu kém và lỏng lẻo. Nhân viên cấp dưới dựa vào những sơ hở của lãnh đạo, đồng nghiệp để thực hiện các hành vi không tốt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới úy tín của tập thể và cá nhân.
Tôi cho rằng, Luật Công chức, Viên chức sửa đổi vừa qua sẽ có tác động hữu hiệu, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trên, đưa công tác hành chính công trở về nguyên nghĩa và theo các quy tắc đã định.
Để tránh được hiện tượng trên, theo tôi, đầu tiên cán bộ công-viên chức cần thực thi đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Thứ hai, người lãnh đạo phải nêu gương, luôn bảo đảm công bằng, dân chủ trong công tác chung, tránh sơ hở, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thể chế của chúng ta có đầy đủ điều kiện phát huy dân chủ cơ sở và dân chủ cơ quan, để thực thi nguyên tắc công khai, minh bạch, tránh các hiện tượng xấu trong hệ thống công vụ.
- Trong một thời gian dài, chúng ta thực hiện công cuộc tinh giản biên chế, nhưng kết quả “càng tinh giản bộ máy càng phình to”. Tại sao lại có thực tế này?
Rõ ràng là bộ máy hành chính công của chúng ta không giảm được, vì không tìm ra chỗ nào để tiến hành cắt giảm biên chế. Bộ máy hành chính Nhà nước hiện nay có thể nói là tầng tầng, lớp lớp. Trong đó, cơ quan ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội có cơ cấu còn rất nặng nề. Cho nên giảm được chỗ này lại “phình” ở chỗ kia.
Đơn cử như cơ quan này giảm được công chức, thì lại bổ sung thêm viên chức. Rõ rằng, Nhà nước có đưa ra điều luật quy định cụ thể, nhưng việc thực thi quy định trên ở các cấp là chưa ổn. Do đó, hiệu lực, hiệu quả đạt được là chưa như mong muốn.
Từ đó, bộ máy hành chính không thống nhất, không tạo ra các chuẩn mực, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc như hiện nay.
Tôi cho rằng, hiệu quả, hiệu lực trong quản trị hành chính công của Việt Nam vẫn còn thấp. Vậy nên, cho đến nay, thành phố Hà Nội mới bắt đầu thí điểm bỏ hội đồng nhân dân cấp phường, nhằm tinh giảm bộ máy các cấp địa phương.
Do đó, thực tế chỉ ra rằng, chúng ta cần khẩn trương thực hiện tốt hệ thống phân cấp, phân quyền. Tại vì hiện nay có những việc cả 3 cấp cùng làm, gây ra hiện tượng chồng lấn, trùng lặp, gây lãng phí và thất thoát cho ngân sách quốc gia.
- Có ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều người chỉ lo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến đại cục nên bộ máy công quyền cứ thế phình to, làm việc không hiệu quả?
Đó là một ý kiến được nhiều người đồng quan điểm. Thậm chí trên diễn đàn Quốc hội cũng có đề cập tới. Lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Cho nên, kể từ cải cách năm 1986 đến nay, đổi mới hành chính công diễn ra chậm chạp và thiếu tính quyết liệt trong thực thi. Kết quả chúng ta đạt được là không như yêu cầu đề ra.
Nhìn chung, mọi ý kiến đều cho rằng, ý tưởng cải cách thì đúng và hay, nhưng chậm hiện thực hóa. Nhiều tư tưởng rất mới và rất chuẩn ra đời cách đây 10 năm trước, thậm chí là 20 năm, nhưng đến bây giờ, chúng ta mới đem ra thực hiện. Điều đó nói lên một điều là, quản trị đất nước của chúng ta đang rất yếu kém.
Quốc hội khóa XIV vừa chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là sẽ không còn chế độ "viên chức suốt đời".
- Nhiều người dân mong muốn quy định bỏ biên chế suốt đời cần được áp dụng với cả công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Tôi cho rằng, điều này cũng hoàn toàn đúng và hợp lý. Biện pháp này sẽ làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực và tăng tính cạnh tranh. Từ đó, chúng ta có thể lựa chọn được người tài, cán bộ tận tụy, trung thành với công vụ.
Tôi cho rằng, đây là cuộc đấu tranh không hề đơn giản. Vì vấn đề và giải pháp được nêu ra, nhưng không dễ thực hiện và hoàn thành mục tiêu ngay lập tức được.
Ý tưởng về quy định quyền hạn và trách nhiệm của công chức theo vị trí việc làm, đã được nêu ra trong Luật Công chức năm 2008. Sau hơn 10 năm, chúng ta vẫn chưa làm được. Tôi nghĩ rằng, nếu có cơ sở định vị được cán bộ công chức, thì lúc đó chúng ta mới đưa ra được khung tiêu chuẩn, khung chức năng, thẩm quyền của từng vị trí công tác của cán bộ.
Trong nền công vụ hiện đại, mỗi vị trí công chức có quyền quyết định và giải quyết công việc theo thẩm quyền và chức năng của mình, chứ không phải “trình bẩm” lên lãnh đạo. Lúc đó, công viên chức sẽ có quyền ký, giải quyết các vấn đề và chịu trách nhiệm trước đơn vị về công việc được giao.
Từ đó, mới giúp nền công vụ năng động và đầy trách nhiệm. Đồng thời làm rõ, đâu là lực lượng ưu tú, lực lượng cán bộ tài giỏi. Đồng thời, làm hiện nguyên hình bộ phận công chức yếu kém, không thực thi được chức trách được giao.
Thực tế hiện nay, chúng ta chỉ nhận xét chung chung hay mọi người giơ tay bình bầu, dẫn đến việc hầu như mọi cán bộ đều đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc, trong khi đó năng suất công việc rất thấp.
- Có ý kiến cho rằng, để tìm được những người có tài thực sự làm quản lý, thì các vị trí lãnh đạo trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải thông qua thi tuyển công khai, chứ không phải bổ nhiệm như hiện nay?
Việc thông qua thi tuyển cạnh tranh được bàn từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, để tham gia vào thi tuyển, các ứng viên phải đáp ứng khung tiêu chí đưa ra. Ngoài ra, đơn vị tuyển dụng cũng phải công khai thông tin trong nền công vụ, cũng như công bố toàn xã hội để nhân dân đăng kí tham gia thi tuyển một cách công bằng.
Tôi cho rằng, hình thức xét tuyển theo công vụ cũ như hiện nay không thay đổi được chất lượng cán bộ.
Điều này gây ra nhiều hệ lụy tác động không hề nhỏ. Ví dụ như việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, để giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn, chậm chạp.
Trong cơ chế trị trường hiện nay, rõ rằng thời gian là tiền bạc. Càng kéo dài thời gian, thì không thể thực thi hiệu quả công việc được. Từ đó, chúng ta không thể hiện được một nền kinh tế năng động và nền công vụ năng động, hiện đại.
- Liệu những thay đổi về Luật công chức, viên chức hiện nay sẽ mang đến những bước tiến khả quan nào trong thời gian tới, thưa ông?
Nếu làm đúng thì sẽ khả quan. Còn trường hợp không làm và chậm trễ thì sẽ không giải quyết được gì, thậm chí là dậm chân tại chỗ. Vấn đề ở đây là chúng ta có quyết tâm thực thi, dám làm đến cùng từ trên xuống dưới hay không.
Tôi cho rằng, triển vọng đổi mới là điều chúng ta rất hy vọng. Tuy nhiên, bất cứ chương trình cải cách nào cũng có những khó khăn và thách thức. Chúng ta phải chấp nhận việc một bộ phận chịu đau, chịu hy sinh, thiệt thòi, để phát triển cái chung.
Việc sớm thực thi và đưa quy định vào cuộc sống sẽ đem lại hiệu quả tốt đẹp cho đất nước và nhân dân. Đó cũng hợp với xu thế chung của các nền công vụ thời đại trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!