Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bỏ Amazon, về Việt Nam cạnh tranh với Google

(VTC News) -

Năm 2018, TS Nguyễn Kim Anh rời vị trí việc làm hấp dẫn tại Amazon về nước, với khát vọng tạo sản phẩm công nghệ trí tuệ nhân tạo của người Việt, phục vụ người Việt.

Ít ai biết, tác giả chính loạt sản phẩm công nghệ đình đám ViVi, ViGPT - phiên bản ChatGPT của người Việt là tiến sĩ, kỹ sư máy tính Nguyễn Kim Anh, cựu chuyên gia công nghệ tại Amazon.

Báo điện tử VTC News có cuộc trò chuyện cùng TS Kim Anh về hành trình tạo nên những công nghệ AI của người Việt, cho người Việt.

TS Nguyễn Kim Anh, Giám đốc khối Công nghệ trợ lý ảo, VinBigdata.

- Từ bỏ tập đoàn top 1 thế giới như Amazon trở về nước, hẳn anh có lý do đặc biệt?

Năm 2016, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Stuttgart (Đức) và nhận giải thưởng bài báo khoa học xuất sắc tại ACL, tôi được tuyển vào Amazon làm việc, với mức lương khoảng 160 - 250 nghìn USD/năm (tương đương 6,4 tỷ đồng).

Năm 2018, tôi quyết định nghỉ việc ở Amazon, về nước. Chính tôi cũng bất ngờ với quyết định này. Lý do lớn nhất thuyết phục tôi về Việt Nam là khao khát phục vụ đất nước, đóng góp những gì bản thân được học, trải nghiệm tại tập đoàn công nghệ top đầu thế giới, tạo ra những sản phẩm của người Việt, cho người Việt.

Tiếp đến là vì gia đình. Bố mẹ tôi phải nỗ lực rất nhiều để tôi được đi học đại học, rồi thạc sĩ, đến tiến sĩ. Họ không tiếc bất cứ điều gì, chỉ mong muốn con trưởng thành. Nếu ở lại nước ngoài, tôi không có cơ hội chăm sóc bố mẹ.

Thời điểm đó, vợ tôi làm giảng viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Mỗi khi kết thúc học kỳ hay nghỉ hè đều vất vả bay qua, bay lại giữa Việt Nam và Đức để tiện chăm sóc chồng.

Tổng hoà các yếu tố trên, tôi quyết định xách vali về nước.

- Về Việt Nam, anh làm việc ở đâu?

Khi học tiến sĩ ở Đức và công tác tại Amazon, tôi từng có vài lần hợp tác làm teamwork và làm việc online cho Tập đoàn FPT. Đó là nền tảng để tôi gia nhập FPT khi trở về nước.

Đầu năm 2019, tôi chuyển qua VinBigdata làm việc. “Như cá gặp nước”, tôi cùng các chuyên gia: TS Mạc Đăng Khoa (Đại học Grenoble Pháp - chuyên gia tổng hợp tiếng nói), TS Đặng Trần Thái (Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, chuyên gia xử lý ngôn ngữ tự nhiên), TS Nguyễn Văn Huy (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chuyên gia nhận dạng tiếng nói), kỹ sư Nguyễn Việt Hà (chuyên gia về backend, phân tích và thiết kế hệ thống) hiện thực hóa nền tảng chatbot - trợ lý ảo của người Việt, tương tự như các sản phẩm của Google.

TS Nguyễn Kim Anh chia sẻ tại sự kiện công nghệ AI.

- Thời điểm đó, anh có nghĩ là quá mạo hiểm khi chọn hướng nghiên cứu về AI, chatbot cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới?

Một khi lựa chọn làm công nghệ, để tồn tại được, phải cho ra kết quả cuối cùng là sản phẩm, không chỉ dừng lại ở nghiên cứu. Đó cũng là lý do tại sao ngay từ đầu, tôi luôn đặt nghiên cứu và phát triển sản phẩm là 40:60 hoặc 50:50, chứ không bao giờ đặt 100% hoặc 80% cho nghiên cứu.

Tại Trung tâm Công nghệ trợ lý ảo VinBigData, một sản phẩm ra đời là sự kế thừa của hàng chục nghiên cứu trước đó. Để lắp ráp kết quả nghiên cứu vào sản phẩm, phải trải qua quá trình kiểm thử và đánh giá chất lượng, với sự phối hợp chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia và kỹ sư.

Các lãnh đạo VinBigdata và tôi xác định rõ mô hình ngôn ngữ lớn là nền móng vững chắc cho những sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh ra đời, ví dụ như ChatGPT của Open AI hay Bard của Google. Tuy nhiên, với các sản phẩm từ nước ngoài, tiếng Việt không nằm trong nhóm ngôn ngữ trọng tâm. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng nội dung trả ra cho người dùng.

Như tôi đã nói, mô hình ngôn ngữ lớn là nền móng vững chắc cho những sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh ra đời. Vì vậy, việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt là điều cần thiết để phát triển những sản phẩm phù hợp và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu thành lập, VinBigdata đã xác định “dữ liệu” là nhân tố cốt lõi và quan trọng nhất cho việc nghiên cứu và cho ra mắt các sản phẩm AI phục vụ thị trường.

Đây cũng chính là lý do mà chúng tôi có thể tiên phong hoàn thiện sớm việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Thay vì phải dùng tới 175 tỷ tham số như ChatGPT, chúng tôi chỉ cần tới vài tỷ tham số. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt ứng dụng mà còn có ý nghĩa cho xã hội khi xu thế ngày càng nhiều người sử dụng AI tạo sinh như một công cụ để học tập, làm việc, tra cứu thông tin.

- Sản phẩm công nghệ đầu tiên của anh ở VinBigdata là trợ lý ảo ViVi tích hợp trên ô tô điện VinFast. Anh đánh giá như nào về “đứa con tinh thần” này?

Tôi nghĩ đứa con tinh thần ban đầu thường giống như đứa lớn trong nhà vậy, nó sẽ không có sự nhanh nhẹn, lanh lợi bằng đứa con thứ 2, thứ 3. Tính đến thời điểm hiện tại, ViVi cũng mới chỉ bước sang tuổi thứ 4, vẫn cần phải tiếp tục nâng cấp làm tốt hơn.

Với tôi, điều tâm huyết nhất là ViVi do chính con người Việt Nam tạo ra, không phải dùng bất cứ phần nào từ một người, một công ty hay bất cứ sản phẩm nào từ nước ngoài. Tôi tự tin khẳng định đây là một sản phẩm 100 % thuần Việt, 100% made in Vietnam.

Tôi so sánh thêm, Siri trên iPhone chỉ có thể ra lệnh bằng tiếng Anh, nên cơ bản từ văn hóa, cách sử dụng cho đến nhu cầu đều khác với người Việt, đâu đó không có sự thuận tiện.

 

ViVi được xây dựng dựa trên hàng chục nghìn giờ dữ liệu chất lượng cao cùng khả năng nhận diện tiếng Việt chính xác tới 98%. Nhờ vậy, nó có thể hiểu sự đa dạng các ngữ điệu của địa phương, thói quen sở thích đặc điểm riêng của mỗi vùng miền. ViVi còn có thể đàm thoại tự nhiên với người dùng ở nhiều ngữ cảnh khác nhau. Đây là điều mà khá ít trợ lý ảo hiện tại có thể hỗ trợ cho ngôn ngữ tiếng Việt.

Sau thành công của ViVi, chúng tôi trình làng nhiều sản phẩm như nền tảng trí tuệ nhân tạo tạo sinh đa nhận thức VinBase, Hệ sinh thái các giải pháp phân tích hình ảnh thông minh Vizone, Nền tảng số hóa hình ảnh y tế VinDr.

- Theo anh, Việt Nam đã đến lúc ứng dụng AI rộng rãi vào thực tiễn hay chưa?

Tôi nghĩ chúng ta cần phải tăng tốc hơn nữa trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo, bởi các quốc gia và tập đoàn lớn trên thế giới đã đi trước chúng ta một khoảng cách nhất định.

Thời điểm hiện tại, có thể nói Việt Nam vẫn chưa thực sự đưa AI vào thực tiễn nhiều và mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu.

Tuy nhiên, tôi tin rằng, bằng những nỗ lực và sự hợp lực từ tất cả các cấp kết hợp với nguồn nhân lực AI chất lượng cao tại Việt Nam như hiện nay, chúng ta có thể nắm bắt được cơ hội đi tắt đón đầu.

- Xin cảm ơn anh!

Hà Cường

Tin mới