Trước đề xuất của VFF về việc đưa khán giả vào theo dõi trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình, chuyên gia cho rằng nên hết sức thận trọng.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng về đề xuất cho phép khán giả vào sân theo dõi đội tuyển Việt Nam thi đấu với số lượng 50% sức chứa trên sân vận động Mỹ Đình.
Đây là 2 trận đấu tại vòng loại cuối World Cup 2022. VFF đã báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND Hà Nội và các bộ, ngành liên quan triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức. Tuy nhiên, đến nay UBND Hà Nội vẫn chưa đồng ý với đề xuất này của VFF.
UBND Hà Nội vẫn chưa cho khán giả vào sân trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Đánh giá về đề xuất của VFF, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng dù diễn biến dịch tại Hà Nội cơ bản ổn định, việc tổ chức trận đấu bóng đá với quy mô hàng chục nghìn khán giả dự khán vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Theo ông Phu, việc bùng phát dịch đã từng ghi nhận tại một số trận đấu trên thế giới khi đón khán giả vào sân trước đó. Đây là nguy cơ thường trực đối với nhiều quốc gia, chính vì vậy một số nước đến nay vẫn phải tổ chức các trận đấu với khán đài trống để đảm bảo an toàn.
"Cân nhắc giữa rủi ro và nhu cầu thì có thể tổ chức được, song phải đảm bảo chặt chẽ các điều kiện an toàn. Đề xuất là 50% khán giả vào sân nhưng thế là chưa đủ. Phải quy định cụ thể về khoảng cách, tiêu chí đối tượng được phép vào sân", ông Phu nói.
Theo vị chuyên gia, nguy cơ lớn nhất đối với các trận đấu bóng đá là số lượng người tập trung rất lớn, trong khoảng thời gian dài đến 2 giờ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo khoảng cách có thể gặp nhiều khó khăn khi người vào sân hò hét, cổ vũ và rất dễ tụm lại để ăn mừng theo diễn biến của trận đấu.
Ông Phu đề xuất Hà Nội nghiên cứu, nếu cho phép người dân vào sân phải bằng hoặc thấp hơn 50% số ghế. Bên cạnh đó, người dân phải tuân thủ nghiêm quy định 5K, luôn đeo khẩu trang, ngồi giãn cách. Ông cũng đề xuất chỉ người có xét nghiệm âm tính và có ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 mới được vào sân xem trận đấu.
Đồng tình với quan điểm yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu, song bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy cho rằng nếu TP Hà Nội thực sự nghiêm túc, cầu thị thì việc đảm bảo điều kiện để khán giả được vào sân Mỹ Đình là không quá khó.
BLV Quang Huy cho rằng nếu TP Hà Nội vẫn lo ngại khi 50% lượng khán giả vào sân vẫn lớn, khó kiểm soát thì hoàn toàn có thể giảm xuống 20-30% khán giả, thậm chí 10% khán giả. Theo ông Quang Huy, việc đội tuyển liên tục phải thi đấu khi không có cổ động viên nhà cổ vũ là thiệt thòi rất lớn nhất là khi đội phải thi đấu với 2 đội bóng rất mạnh (Nhật Bản và Saudi Arabia).
"Sân không có khán giả và chỉ 10% khán giả vào sân, tức khoảng 4.000 người là đã rất khác nhau rồi. Không nên để đội tuyển thi đấu mà không có ai cổ vũ. Điều kiện đặt ra có thể siết chặt hơn như người xem phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, ngồi cách hàng ghế và phải có xét nghiệm âm tính", BLV Quang Huy đề xuất.
Sân vận động Mỹ Đình. Ảnh: Việt Linh.
Cũng theo BLV này, ở quốc gia như Anh, tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao nhưng đã mở để 100% khán giả vào sân. Việc Hà Nội có tỷ lệ tiêm vaccine người trên 18 tuổi đạt xấp xỉ 100% cũng là tương đối an toàn để tổ chức bóng đá có cổ động viên.
"Quan điểm của tôi là nếu TP Hà Nội không đồng ý thì cần sớm ra quyết định chính thức để VFF tính phương án chuyển sân thi đấu. Có thể cân nhắc sân vận động Lạch Tray tại Hải Phòng, để sớm có phương án bán vé, tổ chức, đảm bảo điều kiện cần thiết", BLV Quang Huy chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Zing, nhiều ban ngành có liên quan đã ủng hộ VFF đón cổ động viên trở lại Mỹ Đình vào tháng 11.
VFF cũng xây dựng nhiều phương án tổ chức 2 trận vòng loại thứ ba World Cup 2022 của tuyển Việt Nam với Nhật Bản (ngày 11/11) và Saudi Arabia (ngày 16/11). Trong đó, phương án mở cửa sân Mỹ Đình cho 20.000 người hâm mộ (tương đương 50% sức chứa sân Mỹ Đình) được kỳ vọng nhiều nhất.
Trước đó, vào ngày 11/10, trong công văn 3748 gửi các cơ quan ban ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất phương án đón khán giả vào sân với số lượng dưới 50% sức chứa của sân.
Hồi tháng 9, tuyển Việt Nam phải đấu với Australia trên sân không có khán giả. Điều này đã làm ảnh hưởng tới cơ hội của đội tuyển. Nếu phải đá với Nhật Bản và Saudi Arabia trong tình trạng tương tự, tuyển Việt Nam sẽ phải trải qua 3 trận sân nhà không khán giả.
Sân Mỹ Đình đang được tu sửa, nâng cấp sau trận gặp Australia. Dưới áp lực từ dư luận, sân Mỹ Đình đã được cải tạo ở nhiều hạng mục như mặt cỏ, khán đài, các phòng chức năng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức trận đấu từ Liên đoàn Bóng đá Thế giới và châu Á.