Sau trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam, HLV Park Hang Seo đề cập vấn đề tiền đạo Việt Nam đang ít được thi đấu ở V-League. Đây là lần thứ ba trong năm 2020, ông Park trực tiếp nói với báo giới về vấn đề này.
Chia sẻ với VTC News, BLV Vũ Quang Huy cho rằng các CLB Việt Nam có thể theo đuổi các chân sút ngoại vì mục tiêu thành tích, nhưng không nên bỏ ngoài tai cái chung của bóng đá Việt. Bằng cách này hay cách khác, các chân sút nội nên được tạo điều kiện nhiều hơn.
Tiến Linh (số 22) là một trong số ít tiền đạo Việt được đá chính ở V-League.
- HLV Park Hang Seo đưa ra thống kê cụ thể: 70 đến 80% các đội V-League trông chờ vào tiền đạo ngoại. Trong danh sách 8 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất V-League mùa trước, có tới 7 tiền đạo nước ngoài hoặc nhập tịch. Các CLB vẫn trông đợi và phó thác nhiệm vụ ghi bàn cho cầu thủ nước ngoài như xu hướng tất yếu?
Các CLB vẫn chú trọng thành tích. Dù mấy năm gần đây chất lượng tiền đạo ngoại không được như trước, nhưng các đội vẫn dùng. Trước đây, không ít đội dùng kiểu "đá khoán", tức là không tổ chức được lối chơi thì cắm một tiền đạo ngoại ở phía trên để anh ta giải quyết hết vấn đề.
Bây giờ, các đội đã có tính tổ chức hơn. Họ biết là tiền đạo ngoại đôi khi không khác biệt nhiều, nhưng cảm giác không chốt đủ ngoại binh thì cũng không yên tâm. Đó là cảm giác có thật.
- Ngoại binh không giỏi như trước mà vẫn được dùng, tức là tiền đạo Việt Nam hay bản chất khâu đào tạo tiền đạo ở trong nước đang có vấn đề?
Tôi muốn nói về khâu đào tạo trước. Ở Việt Nam, việc đào tạo tiền đạo chưa được chú trọng đúng mức. Rất khó để đào tạo tiền đạo, bởi như đào tạo hậu vệ là để "phá", thì mài giũa một tiền đạo là để "xây".
Tiền đạo là vị trí chuyên biệt. Vị trí nào trong bóng đá cũng quan trọng, nhưng tiền đạo có đặc thù riêng. Bóng đá thế giới cũng đối diện vấn đề tương tự. Có thời điểm, HLV lão làng Arsene Wenger nói là tiền đạo giỏi chỉ còn ở Nam Mỹ - nơi mà cầu thủ chơi ở đường phố, đá bóng trong những không gian chật hẹp và bản năng sinh tồn được thử thách.
Tiền đạo nhập tịch Đỗ Merlo được trọng dụng dù đã 36 tuổi.
Ở Việt Nam, các đội chưa chú trọng đào tạo tiền đạo. Một chân sút giỏi, ngoài kỹ thuật, còn phải có tính ích kỷ, quyết đoán, lựa chọn thời cơ, chứ không chỉ là chuyện vung chân thế nào để đưa bóng vào lưới.
Đã đến lúc, việc đào tạo tiền đạo phải đi vào từng cá nhân cầu thủ khi còn trẻ (lựa chọn cầu thủ nào sẽ trở thành tiền đạo và đào tạo đặc thù luôn). Cầu thủ có thể tập cơ bản một thời gian, sau đó trên sân đá vị trí nào thì rèn luôn vị trí đó.
Ở phương Tây, các trung tâm đào tạo thường có những nghiên cứu rằng ai phù hợp với vị trí nào từ khi cầu thủ còn rất trẻ. Việc phát triển theo thiên hướng nào cần được định hướng sớm, để cầu thủ có các bài tập chuyên biệt, chứ hiện tại là cầu thủ Việt Nam nhiều khi vẫn tập chung hết với nhau, không có bài tập riêng cho từng vị trí.
Nhiều CLB lớn có bài tập chuyên biệt cho tiền đạo, thuê cả HLV chỉ để huấn luyện tiền đạo. Tựu trung lại, sự đầu tư để đào tạo tiền đạo vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
- Trách nhiệm của các CLB là gì, bởi nếu cải thiện được khâu đào tạo, mà tiền đạo không có cơ hội thi đấu thì cũng rất khó trưởng thành?
HLV Park Hang Seo có cái lý của ông ấy. Vẫn biết các CLB rất cần thành tích, nhưng nên lưu ý vấn đề của tiền đạo nội. Để có Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh như hôm nay, các CLB có đóng góp lớn.
Becamex Bình Dương đã đầu tư rất nhiều để Tiến Linh phát triển. Họ coi Tiến Linh là mẫu tiền đạo hiếm có, nên cậu ấy luôn được ưu tiên có "đất diễn". Bình Dương thừa tiền mua chân sút ngoại giỏi để giải quyết khâu ghi bàn, nhưng họ vẫn cho Tiến Linh môi trường thuận lợi để đá ở tuyến đầu.
Trước kia, chân sút nội như Nguyễn Anh Đức còn phải dạt ra biên đá vì không cạnh tranh được với tiền đạo ngoại. Tiến Linh thuận lợi hơn Anh Đức khi được cơ cấu để đá chính nhiều khi còn trẻ.
Đức Chinh cũng được HLV Lê Huỳnh Đức ưu ái ở SHB Đà Nẵng. Cậu ấy được truyền đạt kinh nghiệm, nên vẫn có cảm giác bóng tốt dù trải qua giai đoạn khó khăn. Biết rằng thành tích là quan trọng, nhưng các CLB nên lưu ý điều này.
Đức Chinh được HLV Huỳnh Đức tạo cơ hội phát triển.
Tiền đạo là vị trí rất đặc thù. Dù hiện tại không được sử dụng, thì các cầu thủ vẫn phải nỗ lực, đừng nghĩ là mình đang bị gạt ra nên không cần cố gắng nữa. Họ phải tự trang bị kỹ năng cá nhân, chuyên nghiệp trong tập luyện.
Các CLB cũng nên rèn giũa tiền đạo và tạo cơ hội cho họ thi đấu, còn các trung tâm nên chuyên biệt hóa khâu đào tạo để cho ra sản phẩm tốt hơn.
Tất nhiên, khan hiếm thế giới không phải chuyện riêng của bóng đá Việt Nam. Ngoài Argentina hay Đức, những nước đào tạo tiền đạo khá tốt, thì nhiều cường quốc bóng đá đang vật lộn với vấn đề này. Chuyển nhượng tiền đạo thường tốn tiền nhất, vì đào tạo ra một tiền đạo là rất khó.
- Bóng đá Việt Nam có thể học hỏi mô hình nào để cải thiện chất lượng tiền đạo nội nói riêng cũng như cầu thủ nội nói chung?
Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản có thể là tấm gương, khi họ có định hướng phát triển rất rõ ràng.
Giải Nhật Bản gần như nói không với ngoại binh châu Phi. Các CLB có luật bất thành văn là không sử dụng cầu thủ ngoại từ nguồn này, bởi bóng đá Nhật Bản đá kiểu kỹ thuật, hào hoa, họ lo rằng những cầu thủ cậy sức lực, va đập từ châu Phi sẽ phá vỡ lối chơi này.
Những ngoại binh đến từ Nam Mỹ hay Đông Âu được ưu tiên, bởi họ sẽ phù hợp với những yêu cầu kể trên.
HLV Park Hang Seo có 3 lần đề cập chuyện thiếu tiền đạo trong năm 2020.
Bóng đá Hàn Quốc cũng vậy. Sau những năm đá bóng kiểu cậy thể lực, họ đã tìm cách đá phù hợp hơn với thể trạng cầu thủ châu Á, bởi đá cậy sức thì không bao giờ đọ được với các đội đến từ châu Âu, Nam Mỹ hay châu Phi. Cầu thủ có thể khỏe, nhưng phải dai sức, bền bỉ, nhưng không phải để đá kiểu va đập.
HLV Park Hang Seo không thừa khi cảnh báo bóng đá Việt Nam, bởi ông đã có kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao rồi. Thực tế là, không dễ để đưa ra một ràng buộc cụ thể, nhưng phát biểu của ông Park sẽ giúp tất cả đều lưu ý đang có vấn đề như vậy tồn đọng, như vậy đã là thành công rồi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!