Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Blog Nhân sự số 5: Cuốn sách về quản trị hiệu suất tổ chức theo BSCvsKPI

(VTC News) -

"Blog Nhân sự số 5: Tái tạo Nhân sư - Nâng cấp hệ thống quản trị hiệu suất tổ chức theo BSCvsKPI" của tác giả Nguyễn Hùng Cường là cuốn sách đáng đọc.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, một trong những công việc cần làm của các doanh nghiệp đó chính là tập trung vào quản trị hiệu suất để giúp cho công ty vượt qua khủng hoảng cũng như tạo tiền đề để phát triển trong tương lai.

Vì thế doanh nghiệp nên áp dụng BSCvsKPI vào tổ chức”, anh Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Công ty Quản trị tri thức Nhân sự KC24, chuyên gia tư vấn xây dựng hệ thống quản trị nhân sự, đồng thời là tác giả quyển sách “Tái tạo Nhân sư - Nâng cấp hệ thống quản trị hiệu suất tổ chức theo BSCvsKPI” chia sẻ. 

- Tiêu đề sách là “Tái tạo Nhân sư – nâng cấp hệ thống quản trị hiệu suất tổ chức theo BSCvsKPI”, hình như chữ Nhân sư là sai chính tả phải không anh?

Đa phần mọi người mới tiếp cận cuốn sách đều tưởng như vậy. Ngay cả các biên tập viên của nhà xuất bản lúc đầu cũng nhầm. Đây không phải là sai chính tả mà do tôi cố ý đặt vậy. Nhân sư là một nhân vật trong thần thoại. Đây là con vật có mình sư tử và đầu người. Con vật này chuyên đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các nhà thám hiểm.

Tôi hay tưởng tượng tổ chức giống như con nhân sư. Chúng ta muốn vào trong khám phá thì cần phải trả lời được những câu hỏi khó. “Làm thế nào để nâng cấp hệ thống quản trị hiệu suất?” là một trong những câu hỏi đó.

- Cấu trúc của sách Blog Nhân sự số 5 có 3 phần, tại sao anh lại chọn như vậy?

Như chúng ta thấy, cấu trúc sách gồm: Phần 1 – Quản trị hiệu suất và các bước xây dựng, phần 2 – Kinh nghiệm tái tạo hệ thống quản trị hiệu suất theo BSCvsKPI, phần 3 – Phụ lục biểu mẫu có ví dụ triển khai theo phương pháp BSCvsKPI.

Hiện nay, trên thị trường, chúng ta sẽ thấy có nhiều sách về chủ đề KPI. Tuy nhiên khi đọc, sách chỉ có giá trị tham khảo và nội dung khá khó để người đọc có thể ứng dụng.

Chính vì thế, tôi chọn cấu trúc như vậy là để độc giả hiểu và có thể làm thực tế được. Độc giả chỉ cần đọc mục lục sách, sau đó đọc phụ lục là có thể hình dung được trong đầu cách làm. Sau đó, họ tham khảo thêm các bài viết trong phần 1 khi có thắc mắc. Cuối cùng nếu muốn mường tượng thực tế triển khai thế nào, độc giả đọc thêm phần 2 là ổn.

- Được biết anh là một trong 2 tác giả có đầu sách viết về BSC và KPI, vậy nội dung của anh có khác gì so với tác giả còn lại?

Nếu tìm hiểu thị trường sách về quản trị nhân lực, bạn sẽ biết có khá nhiều tác giả viết về chủ đề này. Tuy nhiên, nói về chủ đề chuyên về quản trị hiệu suất theo BSC và KPI thì không có nhiều tác giả. Cho tới thời điểm này, tôi mới chỉ biết có 1 tác giả. Nội dung trong sách của tôi khác rất nhiều.

Sách chia sẻ về phương pháp xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất do tôi tự nghiên cứu và triển khai ứng dụng trên nền tảng mô hình BSC (Balanced Scorecard – thẻ điểm cân bằng) của Kaplan & Norton kết hợp với JD (Job Description - mô tả công việc) – KPI (Key Performance Indicators – chỉ số hiệu suất quan trọng). Tôi hay gọi tắt là BSCvsKPI.

Tới thời điểm này, đã có nhiều công ty ứng dụng thành công phương pháp này. Đồng thời, cũng có hơn 1000 học viên tham khảo BSCvsKPI để mang về triển khai cho chính công ty của họ. Như tôi đã trao đổi ở trên, tôi hướng tới việc độc giả làm được nên nội dung tôi viết rất kỹ. Khi độc giả triển khai ứng dụng, chỉ cần họ có câu hỏi, tra trong sách sẽ có bài viết trả lời câu hỏi đó.

- Sách định hướng tới nội dung chuyên môn như vậy, liệu có làm cho đọc giả khó đọc không anh?

Đây cũng là điều làm tôi băn khoăn khi bắt đầu tập trung viết sách. Sách chuyên môn thường khô khan. Trong khi độc giả không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc từng dòng. Vì thế, tôi lựa chọn cách viết đó là dạng blog, tức là viết theo hướng tản văn. Mỗi một câu hỏi là một câu chuyện chia sẻ hành trình triển khai thực tế của tôi. Trong mỗi một câu chuyện sẽ có nội dung chuyên môn sâu. Cứ đọc xong 1 bài, nút thắt chuyên môn sẽ được gỡ thêm 1 lần.

- Được biết, đây là quyển sách số 5 trong chuỗi sách có thương hiệu là “Sách Blog Nhân sự”, vậy trong thời gian tới anh có ý định tiếp tục cho ra đời những đầu sách mới nữa không?

Có chứ! Một trong những mục tiêu của cuộc đời tôi là để lại tri thức của bản thân cho cuộc sống và lưu giữ nó cho nhiều thế hệ sau. Tôi vẫn sẽ tiếp tục viết lại những kiến thức và trải nghiệm của mình trong hành trình “tái tạo Nhân sư”.

- Cảm ơn anh!

Sách Blog Nhân sự - tác giả Nguyễn Hùng Cường: blognhansu.net.vn

Bảo Anh

Tin mới