Nhiều khu vực rừng giáp ranh giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Bình Thuận) với đất rẫy của nông dân địa phương đang bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu để chiếm đất rừng. Từ năm 2018 đến nay, nhiều cánh rừng bị chết với thủ đoạn tương tự nhưng không truy tìm được đối tượng khiến tình trạng huỷ hoại rừng ngày càng xuất hiện nhiều.
Một gốc cây bị khoan giữa thân, bỏ thuốc độc.
Bìa rừng tiểu khu 302a – thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) những ngày giữa cao điểm hạn, các vòi xoay phun nước tưới thanh long quay liên tục để phục vụ những vườn thanh long vừa mới trồng. Cạnh một vườn thanh long vừa xuống trụ nhưng chưa thả dây giống là hiện trường vụ đầu độc rừng bằng thuốc độc cách đây 3 năm đang được dọn phẳng để trồng thanh long trái phép.
Men theo vườn thanh long giáp ranh với tiểu khu 302a chúng tôi phát hiện nhiều cây rừng như: dong đồng, sến, dầu, thị…thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đang chết khô với dấu vết khoan giữa thân. Một số gốc cây rừng khác đã bị chặt hạ, dấu vết còn mới.
Một cánh rừng tại tiểu khu 302a đang chết héo bởi thuốc trừ cỏ.
Đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết, khu vực phá rừng thuộc khoảnh 5, tiểu khu 302a, với diện tích rừng bị phá hơn 3.200m². Trong số này, đơn vị quản lý rừng ghi nhận diện tích cây bị khoan rồi bỏ thuốc để đầu độc chết khô là 2.160m². Nhiều gốc cây gỗ có đường kính từ 15 – 30cm đã bị chết khô, thân cây có dấu khoan.
Trước đó, đơn vị quản lý rừng cũng phát hiện vụ đầu độc cây để chiếm đất sản xuất xảy ra tương tự tại khoảnh 3, tiểu khu 305a. 29 gốc cây tại khu vực này cũng bị chết khô do đầu độc bằng thuốc trừ sâu. Chỉ trong năm ngoái, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ghi nhận hơn 13 ha rừng sản xuất, rừng đặc dụng bị các đối tượng lấn chiếm để trồng thanh long tại nhiều tiểu khu.
Các gốc cây có đường kính lớn bị cưa hạ để chuẩn bị trồng thanh long.
Ông Võ Hữu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trạm bảo vệ rừng Tân Thuận vì đã để tình trạng phá rừng xảy ra tại hai tiểu khu 302a và 305a. Cũng theo ông Phương, do rẫy sản xuất của dân với rừng khu bảo tồn cách nhau chỉ một bước nên việc phá rừng lén lút, lựa thời điểm ban đêm, trời tối rất khó phát hiện.
"Hình thức phá rừng là họ dùng máy cưa cắt hạ cây trong vòng 5 – 7 phút, với số lượng cây ít nên khó phát hiện. Đặc biệt là hành vi huỷ hoại cây rừng, khoan lỗ và bỏ thuốc (nghi là thuốc cỏ) vào cho cây chết. Hành vi này rất khó phát hiện, bởi vì là, từ khi nó bắt đầu bỏ thuốc thì đến 2- 3 tháng sau cây mới chết, lúc đó mới phát hiện được", ông Phương nói.
Khu rừng tại tiểu khu 302a từng bị đầu độc cách đây 2 năm giờ được san phẳng, chuẩn bị sản xuất.
Dù tình trạng phá rừng bằng hình thức khoan giữa thân cây rồi bỏ thuốc độc cho cây chết khô nhằm lấn chiếm đất sản xuất đã diễn ra từ năm 2018 đến nay nhưng điều đáng nói là hầu hết các vụ việc đều không truy tìm được đối tượng. Một số vụ việc có quy phạm đến mức xử lý hình xử, đã khởi tố vụ án nhưng đối tượng phá rừng thì vẫn nhởn nhơ. Do Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có diện tích rộng, và phần đất rừng tiếp giáp với đất rẫy của dân kéo dài gần 50km nên việc chặt hạ cây rừng để trồng thanh long xảy ra thường xuyên.
Ông Võ Hữu Phương – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú chia sẻ: "Chúng tôi đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí để xây dựng cột mốc và cho những hộ dân nằm giáp với rừng cam đoan cam kết không lấn chiếm, có cả chính quyền địa phương chứng nhận vào đó và có cả đơn vị bảo tồn”.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú được đánh giá là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Khu vực này có diện tích khoảng 11.886 ha, trong đó hơn 10.000 ha rừng trên đất thấp và núi Tà Cú nằm diện tích khoảng 1.000 ha.
Những năm qua do đất trồng thanh long phát triển nóng nên nhiều hộ dân đã bất chấp pháp luật chặt hạ cây rừng để chiếm đất sản xuất. Tuy nhiên, việc chưa nhiều vụ phá rừng tại đây bị khởi tố khiến việc lấn chiếm đất cứ tiếp diễn phức tạp.