Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình Định: Dân 'khát nước' bên nhà máy nước sạch tiền tỷ

(VTC News) -

Được đầu tư tiền lớn nhưng 2 nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định cái thì "chìm trong cỏ dại", cái thì cấp nước nhỏ giọt khiến người dân địa phương bức xúc.

Video: Cận cảnh các nhà máy nước sạch ở tỉnh Bình Định chưa được khai thác sử dụng.

Năm 2012, Nhà máy xử lý nước sạch tại thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh được xây dựng do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Nhà máy có vốn đầu tư 7 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, công suất hoạt động 1.400 m3/ngày. 

Nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 9/2013, được Sở NN&PTNT tỉnh giao cho UBND huyện Vân Canh vận hành và khai thác cấp nước sạch cho khoảng 12.000 dân ở thị trấn Vân Canh và các xã lân cận như Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển… Tuy nhiên, đến năm 2014, nhà máy này dừng cấp nước.

Sau đó, Sở NN&PTNT tiếp tục giao lại Nhà máy nước Vân Canh cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành. Công trình tiếp tục nằm im bất động, khiến các hạng mục bị xuống cấp gây lãng phí tiền đầu tư, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cửa kính và nền nhà máy đã bị vỡ và nút do để lâu không hoạt động.

Nhà máy nước Vân Canh đã không hoạt động 10 năm qua.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi công trình nước sạch thì bỏ hoang khiến người dân tại huyện Vân Canh cảm thấy bất bình.

Tương tự tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định), dù địa phương đã được đầu tư nhà máy cấp nước sinh hoạt 35 tỷ đồng,  đi vào hoạt động từ tháng 9/2023 nhưng hàng nghìn hộ dân ở đây đến nay vẫn "khát nước".

Nhà máy cấp nước sinh hoạt xã Bình Nghi do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư giai đoạn 2017-2021. Công trình có trạm xử lý nước công suất 2.500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, các hộ dân thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi) than thở, nhà máy cấp nước sạch Bình Nghi có hoạt động nhưng luôn trong tình trạng cầm chừng, cấp nhỏ giọt. 

Vì chờ đợi nước sạch quá lâu, nhiều hộ dân đã đầu tư hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng làm giếng khoan sâu từ 30-60m để có nước sử dụng và ứng phó trong đợt hạn sắp tới.

Lý giải vấn đề trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn cho biết, trước đây Nhà máy cấp nước sinh hoạt Bình Nghi được phê duyệt nhưng không có hệ thống đường ống cấp nước đến các khu vực dân cư. Vì vậy, khi đưa vào vận hành nhà máy nước thì phát sinh đường ống, nhưng dự án hết tiền.

“Chúng tôi mong muốn Nhà nước đã làm thì phải đồng bộ, có nhiều nhà ở xa nhà máy mà bảo chúng tôi phải bỏ khoản tiền rất lớn để đầu tư kéo hàng trăm mét đường ống, mua đồng hồ, tự đấu nối... thì chúng tôi không làm được”, ông Lê Văn Nghĩa, người dân xã Bình nghi bức xúc.

Hiện thôn Thủ Thiện Thượng (xã Bình Nghi) có 520 hộ dân, đa số nằm trong diện chưa được sử dụng nước từ nhà máy nước sạch. Ngoài ra, trong mùa hạn, hàng nghìn hộ dân ở các thôn 1, 2, 3 và thôn Lai Nghi (phía tây xã Bình Nghi) có nguy cơ thiếu nước rất cao.

Nguyễn Gia

Tin mới