Bùa liềm là biểu tượng nổi bật của chủ nghĩa cộng sản. Biểu tượng này được thể hiện bằng một cái búa và một cái liềm đặt chéo nhau. Hai công cụ này tượng trưng tương ứng cho công nhân - công nghiệp - đô thị và nông dân - nông nghiệp - nông thôn, đặt chồng lên nhau tượng trưng cho sự thống nhất của hai giai cấp lao động.
Cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Biểu tượng búa liềm không ra đời vào thời của Karl Marx mà xuất hiện trong thời kỳ của Cách mạng tháng Mười Nga 1917.
Theo các nguồn sử liệu của Nga, tác giả của biểu tượng Búa Liềm là họa sĩ Evgheny Ivanovich Kamzolkin (1885-1957). Ông vẽ biểu tượng này ngày 25/4/1918 khi trang trí quảng trường Serpukhov chuẩn bị cho cuộc mít tinh tuần hành kỷ niệm ngày 1/5/1918. Theo Kamzolkin, búa liềm chính là biểu tượng của liên minh công nông.
Quốc kỳ Liên Xô với hình búa liềm.
Hình ảnh chiếc búa, từ nửa cuối thế kỷ 19 đã được giai cấp công nhân một số nước châu Âu chọn làm biểu tượng cho giai cấp của mình. Còn hình ảnh chiếc liềm đã quá thân thuộc ở Nga từ lâu, từng xuất hiện trên biểu tượng của nhiều thành phố.
Không lâu sau, biểu tượng này đã được Lênin và Chính quyền Xô viết chuẩn y sử dụng và được in ấn chính thức từ ngày 26/7/1918.
Biểu tượng búa liềm sau đó xuất hiện trên Quốc kỳ và Quốc huy Liên Xô. Búa Liềm trở thành biểu tượng của Hồng quân, của Liên Xô và của phong trào cộng sản quốc tế.
Biểu tượng Mosfilm - hãng phim lớn nhất Liên Xô và nước Nga ngày nay với tượng anh công nhân cầm búa và cô nông dân cầm liềm.
Hình búa liềm của mỗi đảng cộng sản thường có nét riêng. Một lá cờ với một cái búa liềm màu vàng và trên phông màu đỏ được sử dụng ở Lào và ở Việt Nam. Hai nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ vẫn còn sử dụng biểu tượng này, nước cộng hòa Vladimir Oblast sử dụng trên lá cờ và nước cộng hòa Bryansk Oblast sử dụng trên quốc huy. Ngoài ra, thành phố Oryol của Nga cũng sử dụng búa liềm trên lá cờ của họ.
Ở Việt Nam, ngay sau khi thành lập Đảng 3/2/1930, lá cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Hiện nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang trưng bày và lưu giữ cờ Đảng trong phong trào cách mạng 1930-1931, trong đó có các lá cờ đỏ búa liềm sử dụng trong các cuộc biểu tình của nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê... ngày 1/5/1930.