Người biểu tình Thái Lan tiếp tục xuống đường ở thủ đô Bangkok ngày thứ 5 liên tiếp trong nỗ lực kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ nhiệm.
Trong ngày 18/10, ít nhất 19 cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Thái Lan. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở ít nhất 10 tỉnh, thành phố ở Thái Lan, trong đó có cả Chiang Mai - một điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc nước này.
Bất chấp sắc lệnh khẩn cấp của chính phủ Thái Lan cấm tụ tập công khai, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Biểu tình bắt đầu lúc 4 giờ chiều hôm 18/10 theo giờ địa phương tại tượng đài Chiến thắng, Asoke và ga tàu điện ngầm Tha Phra ở thủ đô. Tại Asok - một giao lộ đông đúc của Bangkok, người biểu tình gắn nhiều khẩu hiệu viết tay lên các trạm xe buýt, chỉ trích chính quyền của Thủ tướng Chan-o-cha.
Biểu tình tiếp diễn ngày thứ 5 ở Thái Lan, lan ra nhiều khu vực ngoài Bangkok. (Ảnh: EPA)
Tại tượng đài Chiến thắng, hàng chục ngàn người Thái đội mưa, yêu cầu chính quyền thả những người biểu tình bị bắt. Cảnh sát Thái Lan ước tính có khoảng 10.000 người tụ tập tại tượng đài Chiến thắng.
Không giống với những lần trước, lần này người biểu tình di chuyển liên tục qua nhiều địa điểm. Họ kêu gọi những người khác xuống đường, thông báo các địa điểm đang có biểu tình trên mạng xã hội.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các cuộc biểu tình, Thủ tướng Thái Lan tuyên bố muốn đối thoại với người biểu tình. "Chính phủ muốn đối thoại để tìm hướng giải quyết vấn đề", người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết tối 18/10.
Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đang hết sức lo ngại về phong trào biểu tình, không phải vì nó chống lại ông mà bởi ông lo rằng kẻ xấu có thể lợi dụng kích động bạo lực.
Nhà chức trách Thái Lan hôm 17/10 huy động cảnh sát chống bạo động cùng xe vòi rồng giải tán đám đông hàng chục ngàn người ở Bangkok. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm ngừng hoạt động để ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Phong trào biểu tình ở Thái Lan kêu gọi Chính phủ do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo từ nhiệm, xây dựng hiến pháp mới và chấm dứt tình trạng quấy rối của nhà nước đối với những người chỉ trích chính phủ. Thậm chí một số người đòi cải cách chế độ quân chủ theo hiến pháp.
Để ngăn chặn tình trạng biểu tình, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha hôm 15/10 ban sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 5 người, song khoảng 10.000 người đã phớt lờ biện pháp này và biểu tình tới đêm cùng ngày, bất chấp nỗ lực giải tán của cảnh sát.
Người biểu tình cáo buộc ông Prayuth Chan-o-cha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.