Video vụ bắt giữ Floyd - bị ghì lên cổ trong khi liên tục rên rỉ "làm ơn, tôi không thể thở được" trước khi qua đời - gây ra một cơn thịnh nộ sôi sục ở thành phố Minneapolis và các nơi khác trên cả nước Mỹ. Sự tức giận trào dâng về tình trạng phân biệt chủng tộc được cho là tồn tại trong hệ thống tư pháp Mỹ.
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết cần phải huy động lực lượng vệ binh vì nhiều kẻ kích động đang lợi dụng các cuộc biểu tình để châm ngòi hỗn loạn. Ông dự đoán các cuộc biểu tình sẽ dữ dội hơn.
Biểu tình trở thành bạo lực ở nhiều nơi. (Ảnh: Reuters)
Ngoài Minneapolis, biểu tình lan đến nhiều thành phố lớn của Mỹ, như New York, Atlanta và Washington. Người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong làn sóng phản đối cách hành xử của lực lượng hành pháp với cộng đồng người da màu. Theo thống kê, biểu tình đã lan đến khoảng 30 thành phố Mỹ.
Ông Walz cho biết sẽ sử dụng toàn lực để chấm dứt tình trạng hỗn loạn và khôi phục trật tự. Ông tin rằng một nhóm người từ bên ngoài, bao gồm những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và thành viên các băng đảng ma túy, đang xúi giục bạo lực ở thành phố.
"Khoảng 80% những người bị bắt trong các cuộc đụng độ là người ngoài bang", ông Walz nói. Trong khi đó, chính quyền đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có động cơ chính trị phía sau cuộc biểu tình bạo loạn.
Người biểu tình đứng kín một con đường ở Minneapolis. (Ảnh: Reuters)
Bất chấp lệnh giới nghiêm do thị trưởng thành phố áp đặt, những người biểu tình ở Minneapolis đã xuống đường đêm thứ 4 liên tiếp, mặc dù với số lượng người biểu tình ngày càng ít hơn trước.
Thông báo Derek Chauvin (cảnh sát ghì lên cổ người đàn ông da màu) bị cáo buộc hình sự cũng không làm các cuộc biểu tình dừng lại.
Trong cuộc đụng độ hôm 29/5 ở Brooklyn (New York), cảnh sát vũ trang thực hiện hơn 200 vụ bắt giữ, một số cảnh sát bị thương.
Tại Washington, cảnh sát và các đặc vụ được triển khai xung quanh Nhà Trắng trước hàng chục người biểu tình. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/5 nói ông đã quan sát tất cả mọi thứ và nếu người biểu tình phá vỡ hàng rào, họ sẽ gặp phải những “vũ khí nguy hiểm nhất”.
Video: Biểu tình phản đối cái chết của George Floyd do bị cảnh sát ghì cổ
Bên cạnh các cuộc biểu tình bạo lực, các cuộc biểu tình ôn hòa cũng diễn ra ở nhiều thành phố như Philadelphia, Miami và Newark, New Jersey. Hàng chục người phải thu dọn các mảnh vỡ kính từ các vụ bạo lực tối hôm trước.
“Điều này khiến tôi rất đau lòng. Đây không phải là cách tưởng nhớ người đàn ông đã bị mang đi xa chúng ta một cách sai trái,” Luke Kallstrom, một người dân nói trong khi đứng trước một bưu điện đã bị đốt trụi.
Một số thành phố thông báo lệnh giới nghiêm. Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti tuyên bố thành phố sẽ có lệnh giới nghiêm bắt đầu lúc 8 giờ tối thứ bảy đến 5 giờ sáng Chủ nhật.