Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Biến thể SARS-CoV-2 ở Ấn Độ nguy hiểm thế nào?

(VTC News) -

Biến chủng B.1.167 chứa “đột biến kép” L452R và E484Q được cho một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ đối mặt với khủng hoảng COVID-19.

Ngày 5/10/2020, cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID lần đầu tiên chia sẻ cấu trúc gen của virus SARS-CoV-2 đột biến B.1.617. Ấn Độ là quốc gia có nhiều bệnh nhân nhiễm B.1.617 nhất, tiếp theo là Anh, sau đó là Mỹ. Đến nay trên thế giới có tổng số 22 quốc gia bị lây nhiễm ở các mức độ khác nhau, nhưng vẫn chưa rõ nguồn gốc B.1.617 đến từ đâu.

B.1.617 có nguy hiểm?

Tôi nghĩ, hiện chúng ta có hai sự hiểu nhầm nên tránh. Một là quan niệm chủng virus đột biến B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ và hai là thuật ngữ “đột biến kép”. Bởi Ấn Độ chỉ là quốc gia có nhiều bệnh nhân nhiễm B.1.617 thôi chứ không có bằng chứng virus đột biến xuất phát từ quốc gia này. Còn thuật ngữ “đột biến kép” dùng để ám chỉ có hai đột biến E484Q và L452R. 

Theo nguyên tắc tiến hóa của mọi virus, chủng B.1.617 khi giải mã trình tự gen các nhà khoa học thấy có rất nhiều đột biến khác nhau. Nhưng hai đột biến được các nhà khoa học chú ý nhất, đó là đột biến E484Q có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch và đột biến L452R có thể giúp virus lây lan nhanh hơn. 

Thực tế, virus tiến hóa sẽ có rất nhiều đột biến cùng lúc, vì thế mà hai đột biến như chủng B.1.167 không có gì lạ, thậm chí còn gặp thường xuyên ở SARS-CoV-2 trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. 

Cá nhân tôi nghĩ, hiện chưa thể nói “đột biến kép” B.1.617 là nhân đôi sự nguy hiểm. Bởi đột biến E484Q cũng tương tự như E484K, loại đột biến mà trước đó tìm thấy ở biến thể virus tại Anh, Nam Phi và Brazil. Cũng như vậy đột biến L452R đã xuất hiện trong biến thể CAL.20C gây dịch bệnh ở California. 

Các nhà khoa học không đồng tình với thuật ngữ “đột biến kép - double mutation” khi đề cập đến biến thể B.1.617 vì thuật ngữ đó dễ gây hiểu nhầm. Họ cho rằng xuất hiện hai đột biến thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi. 

Nhà miễn dịch và vi sinh Kristian Andersen (California Campus) và giáo sư vi sinh vật học Sharon Peacock (Đại học Cambridge) đều là những chuyên gia nghiên cứu rất sâu về các chủng virus đột biến, nhưng họ đều không đồng tình khi sử dụng thuật ngữ “đột biến kép”. Mặt khác, họ cũng không đồng ý gán chủng virus B.1.617 có nguồn gốc từ Ấn Độ. 

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, chủng virus đột biến B.1.617 không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh ở Ấn Độ nằm ngoài tầm kiểm soát. 

Theo logic, chủng B.1.617 xuất hiện ở Ấn Độ từ ngày 5/10/2020. Kể từ thời điểm đó Ấn Độ lại đang từng bước kiểm soát dịch bệnh rất tốt, có nhiều thành tích rất đáng nể. Đến tháng 11/2020, Ấn Độ cơ bản kiểm soát thành công dịch bệnh, số ca nhiễm mỗi ngày giảm xuống dưới 10.000 người kể từ đầu năm 2021. 

B.1.617 có mặt ở 22 quốc gia nhưng vẫn kiểm soát được.

Khi một biến thể virus xuất hiện, các nhà khoa học ngay lập tức nghiên cứu 4 vấn đề. Đầu tiên là khả năng gây bệnh. Thứ hai là khả năng lẩn trốn miễn dịch và vaccine. Thứ ba là đặc điểm đột biến mới so với các biến thể trước đó và thứ tư là khả năng lây lan của chủng đột biến mới. 

Tiến sĩ Jeffrey Barrett, Giám đốc nghiên cứu gen COVID-19 tại Viện Wellcome Sanger cho rằng, biến thể B.1.617 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể ở Anh, Nam Phi và Brazil. Về mức độ lây lan, Barrett lập luận, rõ ràng biến thể này tăng tần suất ở Ấn Độ tạo ra làn sóng rất lớn và bi thảm, nhưng phải mất nhiều tháng mới đạt tới tình trạng nguy hiểm như hiện nay. Điều này cho thấy biến thể B.1.617 ít lây truyền hơn so với chủng đột biến ở Anh. 

Giáo sư Richard Neher, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Basel cũng cho rằng, biến thể B.1.617 không nghiêm trọng hơn các biến thể khác. 

Mặc dù B.1.617 đang gây ra cuộc khủng hoảng, mất kiểm soát, có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn hệ thống y tế ở Ấn Độ. Nhưng theo tiến sĩ Christian Drosten, trưởng khoa virus học tại Bệnh viện Charité ở Berlin, sẽ chẳng có lí do gì để quá lo lắng với biến thể B.1.617 được gọi là “đột biến kép”.

Tương tự, các chuyên gia virus học khác trên thế giới đều có chung nhận định, biến thể B.1.617 mức độ nguy hiểm không hơn các biến thể từng xảy ra ở Anh, Nam Phi và Brazil. 

Việt Nam từng xuất hiện các ổ dịch do biến thể B.1.1.7 của Anh xảy ra tại Hải Dương, Quảng Ninh, TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh khác nhưng chúng ta đã khống chế và dập tắt hoàn toàn. 

Câu hỏi được đặt ra là B.1.617 đã trở thành “sóng thần” quật ngã người khổng lồ Ấn Độ, nhưng với Việt Nam, liệu chúng ta có một lần nữa chiến thắng? Câu trả lời của tôi là: "Việt Nam lại chiến thắng B.1.617 một lần nữa!".

(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dịch bùng phát ở Ấn Độ

Đã gần một tuần, Ấn Độ cứ mỗi phút lại có 215 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, liên tục những kỷ lục thế giới được xác lập. Kỷ lục cũ vừa hôm qua sáng nay bị đạp đổ, với hơn 18 triệu bệnh nhân và gần 200 nghìn người chết. Ấn Độ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, chỉ tạm thời đứng sau Mỹ. 

Lý do dẫn đến thảm họa không phải do B.1.617 đột biến mà do một số thông tin không chính xác tạo nên ảo tưởng cho cả chính phủ lẫn người dân. Ví dụ như thông tin cho rằng Ấn Độ đạt đến miễn dịch bầy đàn, hay thành tích khống chế dịch xuất sắc, cùng với hàng loạt chính sách “vaccine nhân đạo” được thế giới ca ngợi. Chính phủ Ấn Độ tự hào khi đập bẹp đường cong dịch bệnh! 

Đầu năm 2021, các biện pháp chống dịch của chính phủ được nới lỏng, việc người dân mất cảnh giác là không thể tránh khỏi. 

Google theo dõi sự di chuyển của dòng người ở các quốc gia, kể từ tháng Giêng năm nay, người Ấn Độ mua sắm và di chuyển nhiều hơn hẳn. Mật độ người tập trung khá đông ở các khu vực công cộng hay trên các phương tiện giao thông công cộng, tần suất hoạt động của người dân gần bằng trạng thái bình thường khi chưa xảy ra dịch bệnh. 

Khi người dân chủ quan, các biện pháp phòng vệ cá nhân như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử trùng, giữ khoảng cách xã hội gần như không được tuân thủ. Đó là yếu tố góp phần không nhỏ làm cho dịch bệnh lây lan nhanh chóng. 

Hàng loạt các hoạt động náo nhiệt ở địa phương, như vận động tranh cử, tụ tập mít tinh, bầu cử, biểu tình của nông dân, ngay cả việc tổ chức đám cưới lớn cũng là những dịp để COVID-19 bùng phát. 

Nhưng điều không may mắn nhất, có lẽ chính là những lễ hội truyền thống, đặc biệt nhất là lễ hội Kumbh Mela với dòng người Hindu hành hương khổng lồ, con số ước tính lên tới hàng trăm triệu, kéo dài hết tháng Tư. Trong lễ hội, có gần 5 triệu người cùng nhảy xuống sông Hằng tắm rửa tội. Mỗi ngày có khoảng một triệu người tham gia hành hương cầu nguyện, họ chen vai thích cánh và không đeo khẩu trang vì cho rằng Ấn Độ đã miễn dịch bầy đàn, trong khi thực tế cả người đã nhiễm bệnh và người được tiêm vaccine chưa đến 10% dân số. Nhưng... Ấn Độ vẫn còn quãng đường rất xa để có miễn dịch bầy đàn. 

Ở khu vực Đông Nam Á, từ Campuchia, Lào, Thái Lan cho đến Philippines dịch đang bùng phát mạnh mẽ, quốc gia nào cũng tiềm ẩn nguy cơ vỡ trận. 

Việt Nam cần làm gì

Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi những ca bệnh xâm nhập. Nhưng thật may, tuy mỗi ngày Việt Nam có tới hơn 20 lễ hội truyền thống, nhưng chỉ là những lễ hội nhỏ. Tôi ủng hộ giảm quy mô những lễ hội này, thậm chí hủy bỏ nếu không an toàn. 

Riêng lễ hội có liên quan đến du lịch, vì dịch bệnh còn kéo dài nên không thể dừng mãi, chống dịch tốt để duy trì các hoạt động nhằm phát triển kinh tế xã hội, trong đó du lịch là một phần rất quan trọng. 

Theo tôi, trong thời gian tới dịch đang bùng phát tại Ấn Độ và các nước xung quanh, Việt Nam cần biến du lịch và các lễ hội liên quan đến du lịch trở thành hình thức nghỉ ngơi giãn cách xã hội. Ví dụ dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày cuối tuần này, các địa điểm du lịch chỉ cần thay đổi quy mô; Hủy bỏ tất cả các sự kiện tập trung đông người trong lễ hội, như hủy bỏ sự kiện bắn pháo, hủy bỏ các sự kiện biểu diễn sân khấu trong nhà, hủy bỏ các sự kiện biểu diễn sân khấu lớn ngoài trời. Nếu chúng ta làm như vậy, khách du lịch chủ yếu đi nghỉ ngơi, bản chất giống như một đợt giãn cách xã hội.

Về tổng thể, kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày cuối tuần này, theo tôi đó là thời gian tuyệt vời để thực hiện giãn cách, đặc biệt với những gia đình về quê, hay số ít ở lại thành phố cũng nghỉ ngơi tại chỗ, nên kì nghỉ 4 ngày là cơ hội phòng chống dịch bệnh rất tốt.

Cuối cùng phải khẳng định rằng, chúng ta vẫn phải có vaccine để giải quyết đại dịch.

BS Trần Văn Phúc ( Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

Tin mới