Theo American Diabetes Association, tăng đường huyết là tình trạng phổ biến của những người mắc bệnh tiểu đường, trong đó mức độ glucose (đường) trong máu tăng cao. Tăng đường huyết xảy ra khi cơ thể không thể điều chỉnh mức glucose một cách hiệu quả do không có đủ insulin trong cơ thể hoặc do cơ thể kháng insulin.
Tăng đường huyết có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không được kiểm soát đúng cách, điều quan trọng là những người mắc bệnh tiểu đường phải nắm rõ cách nhận biết và phương pháp điều trị.
Tăng đường huyết có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tăng đường huyết có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm căng thẳng, bệnh tật, bỏ bữa, không uống thuốc theo chỉ định và không thường xuyên hoạt động thể chất. Các triệu chứng của tăng đường huyết có thể bao gồm:
Thường xuyên khát nước
Đi tiểu thường xuyên
Mệt mỏi
Mờ mắt
Vết thương lâu lành
Nếu không được điều trị kịp thời, tăng đường huyết có thể dẫn đến tình trạng được gọi là nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA), đây là một biến chứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Những nhóm đối tượng có nguy cơ tăng đường huyết gồm:
Người mắc bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường có thể bị tăng đường huyết khi insulin có các tác động xấu tới cơ thể.
Người có chất lượng sinh hoạt kém: Những người có thói quen ăn uống không khoa học, lười tập thể dục và bị stress thường xuyên có nguy cơ tăng đường huyết cao.
Người có tiền sử gia đình bị tiểu đường: Những người có cha/mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ tăng đường huyết.
Người lớn tuổi: Người già có thể bị tăng đường huyết do sự suy giảm của sức khỏe và sức tác động của insulin trong cơ thể.
Người bị bệnh mạn tính: Những người mắc bệnh mạn tính cũng có thể bị tăng đường huyết do tác động của stress và thay đổi trong chế độ ăn uống.
Để ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng tăng đường huyết, người mắc bệnh tiểu đường phải thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu của họ bằng cách sử dụng máy đo đường huyết.
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên đặt mục tiêu giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu nhất định dựa theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Mức đường huyết an toàn ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và loại bệnh tiểu đường.
Theo dõi lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết.
Ngoài việc theo dõi lượng đường trong máu, còn có một số chiến lược khác có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng tăng đường huyết hiệu quả, bao gồm:
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Tuân thủ chế độ dinh dưỡng cân bằng, ít đường và carbohydrate tinh chế, nhiều chất xơ và chất béo lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tham gia hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ tăng đường huyết.
Dùng thuốc theo chỉ định: Dùng thuốc theo chỉ dẫn, bao gồm tiêm insulin, thuốc uống và các loại thuốc được kê đơn khác có thể giúp người bệnh điều chỉnh lượng đường trong máu.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể giải phóng các hormone làm tăng lượng đường trong máu. Tham gia vào các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc áp dụng phương pháp chánh niệm có thể giúp bệnh nhân tiểu đường giảm được nguy cơ tăng đường huyết.
Thăm khám y tế: Ngoài việc thực hiện các phương pháp trên, bạn cũng nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp, có thể bệnh nhân cần phải thay đổi thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để kiểm soát hiệu quả tình trạng tăng đường huyết.
Tăng đường huyết là một tình trạng phổ biến mà những người mắc bệnh tiểu đường thường hay gặp phải. Bằng cách theo dõi lượng đường trong máu, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất, uống thuốc theo đơn, tránh căng thẳng và thăm khám định kỳ sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả tình trạng tăng đường huyết.
Cần lưu ý rằng tình trạng và nguy cơ mắc chứng tăng đường huyết ở mỗi bệnh nhân tiểu đường sẽ khác nhau, vì vậy bệnh nhân cần duy trì thăm khám thường xuyên và định kỳ với các chuyên gia y tế để phát triển phác đồ điệu trị hiệu quả nhất trong từng giai đoạn bệnh. Với sự chăm sóc và hỗ trợ phù hợp, bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát tình trạng tăng đường huyết một cách hiệu quả.