Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Biến động điểm chuẩn đại học 2022: Ngành giảm mạnh, ngành 9,9 điểm/môn vẫn trượt

(VTC News) -

Điểm chuẩn đại học 2022 biến động mạnh, bên cạnh ngành điểm gần tuyệt đối thì cũng nhiều ngành điểm giảm mạnh bởi nhiều lý do.

Tính đến 17h ngày 17/9, các trường đại học trên cả nước hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành năm nay biến động khá lớn. Khối trường Y Dược và Kinh tế giảm từ 1 - 6 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn các trường khối xã hội nhảy vọt, ở ngưỡng rất cao, thậm chí gần tuyệt đối 30/30.

9,9 điểm/môn vẫn trượt

Năm nay, ngành Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khối C00 lấy 29,9 điểm. Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ công chúng của trường cũng lấy đến 29,95 điểm, gần mức tuyệt đối 30/30. Đây cũng là ba ngành học điểm chuẩn cao nhất cả nước năm nay.

Tại Học viện Ngoại giao, ngành Hàn Quốc học lấy 29 điểm, ngành Trung Quốc học lấy 29,25 điểm.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, năm nay cả nước có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, giảm mạnh so với những năm trước. Bên cạnh đó, số thí sinh mức điểm cao đăng ký vào trường cũng đông hơn, điều này khiến điểm chuẩn tiếp tục có xu hướng tăng cao đến ngưỡng gần 30 điểm.

"Ngoài những ngành học vốn hot như Hàn Quốc học, Đông phương học... thì năm nay, một số ngành kén thí sinh đăng ký lại nhận nhiều hồ sơ. Điều này thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về ngành nghề của thí sinh và xã hội có nhiều thay đổi”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nói.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.

Cô Lương Thu Nga, giáo viên trường THPT Chân Mộng (Đoan Hùng, Phú Thọ) "sốc" khi biết điểm chuẩn các ngành, trường khối C00. "Học trò của tôi đạt 29 điểm khối C00 (trung bình 9,7 điểm/môn) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đứng thứ 2 toàn tỉnh Phú Thọ nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Báo chí học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dù đã được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Quả thực là điều rất đáng tiếc", cô Nga chia sẻ.

Giả sử thủ khoa khối C năm nay đăng ký xét tuyển những ngành học này nếu không được cộng điểm cũng sẽ trượt. Thủ khoa khối C toàn quốc là thí sinh ở thành phố Bắc Ninh với 29,75 điểm.

Nữ giáo viên cho rằng, điểm chuẩn cao chưa chắc đánh giá đúng chất lượng thí sinh. Đây có thể coi là "lạm phát' điểm chuẩn. Một học sinh học lực xuất sắc có tới hai bài thi điểm 10 và một bài thi điểm 9 mà vẫn trượt đại học là bất thường trong giáo dục. 

Lý giải về việc điểm chuẩn gần đạt ngưỡng 30 điểm, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, theo đề án tuyển sinh, trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí học hệ đại trà bằng 5 phương thức tuyển sinh, trong đó dành 25/55 chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT - cao nhất so với các chỉ tiêu còn lại.

Ngành học này tuyển sinh bằng 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83). Tính trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Trong khi đó, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học, Như vậy, có thể thấy tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học năm nay rất cao, đặc biệt khối C00 - khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.

Mặt khác, điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp C00 năm nay cũng được đánh giá có phần cao hơn các năm trước, đặc biệt ở môn Lịch sử. Số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhiều hơn năm 2021. "Đó là những lý do khiến điểm chuẩn ngành Báo chí học tăng cao, tiệm cận ngưỡng điểm tuyệt đối", Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói.

Điểm chuẩn Sư phạm Sử tăng vọt 

Những năm trước, điểm chuẩn ngành Sư phạm Sử thường ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên. Còn năm nay, tất cả các trường đào tạo ngành này chứng kiến cuộc "đại nhảy vọt" của điểm chuẩn.

Đại học Quy Nhơn đưa ra mức điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 (tăng 9,5 điểm so với 2021). Đại học An Giang cũng tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, với mức 26,5. Tương tự điểm chuẩn ngành này tại Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) là 39,92 - tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

Theo ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Quy Nhơn, khi công bố điểm sàn, trường xác định luôn ở mức 28,5 điểm với 6 ngành sư phạm, trong đó có Sư phạm Lịch sử. Lý do là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành này rất ít, chỉ 8-18 chỉ tiêu. Trong khi đó, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường còn xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.

Một nguyên nhân nữa là điểm thi năm nay của thí sinh cao, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn phần nhỏ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt là điểm thi của tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nên không chỉ ngành Sư phạm Lịch sử mà nhiều ngành khối Xã hội Nhân văn khác cũng có điểm chuẩn tăng.

Ông Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức thông tin, các ngành đào tạo chất lượng cao năm nay tính theo thang điểm 40, trong đó điểm môn chủ chốt của ngành đó nhân đôi. Hai ngành sư phạm Ngữ văn và Lịch sử chất lượng cao đều được nhân đôi môn chính.

Điểm cao là do số lượng chỉ tiêu trường dành cho các ngành này ít, trong khi hồ sơ đăng ký lớn. "Theo danh sách điểm trúng tuyển của nhà trường chưa có thí sinh nào đạt 3 điểm 10, hầu hết là thí sinh được cộng điểm ưu tiên nên có điểm 39,92", ông Dũng chia sẻ.

Điểm chuẩn ngành Sư phạm Sử thường ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên nhưng năm nay tăng vọt. (Ảnh minh họa)

Khối Kinh tế, Kỹ thuật, Y Dược hạ nhiệt

Dù vẫn thuộc nhóm điểm chuẩn cao nhưng điểm trúng tuyển vào khối Y Dược giảm so với năm ngoái. Tại Đại học Y Hà Nội, năm ngoái điểm trúng tuyển 23,2-28,85 thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hoá giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.

Tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm ngoái dao động 21,35-27,35, năm nay còn 18,1-26,65. Ngành Dinh dưỡng và Điều dưỡng giảm mạnh nhất, từ 4,25 đến 5,7 tuỳ ngành và nhóm thí sinh.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn vào các ngành của trường năm nay giảm từ 0,5 đến 0,8 điểm. Ngành cao điểm nhất là Y đa khoa và không có ngành nào tăng điểm so với năm ngoái.

Nguyên nhân theo ông là do phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 ở khối B thấp hơn năm ngoái. Số bài điểm 10 môn này giảm tới trên 98%, số thí sinh đạt từ 27,5 trở lên tổ hợp B00 là 465, giảm gần hai lần so với năm ngoái. Do đó, việc điểm trúng tuyển vào trường năm nay giảm so với năm ngoái là không bất thường.

Chưa kể, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng giảm. Ví dụ như Đại học Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05) nhưng mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.

Còn với các trường Kinh tế và Kỹ thuật, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27 - 28, năm nay hầu hết giảm 0,5-1 điểm.

So sánh ngưỡng điểm chuẩn cao nhất của năm 2021 và 2022, Đại học Ngoại thương và Thương mại giảm 0,15 - 0,75; Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) giảm 0,9 điểm.

Số ít trường có biến động điểm chuẩn mạnh là trường Đại học Kinh tế TP HCM. Hai ngành Kinh doanh nông nghiệp, Kế toán (chương trình tài năng) tại trụ sở chính cùng lấy điểm chuẩn 22 (giảm 5,5 điểm so với năm ngoái).

Điểm ngành công an không chạm trần

Bên cạnh một số ngành học điểm chuẩn vẫn ở mức cao, bức tranh tuyển sinh chung của các trường đại học năm nay có thể thấy “cơn sốt” điểm chuẩn phần nào giảm nhiệt so với năm 2021. Tính đến hôm qua, cả nước chưa có ngành học nào điểm chuẩn tuyệt đối. Các trường khối ngành Công an không còn điểm quá cao.

Ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân năm ngoái lấy 30,34 điểm với nữ (khu vực phía Bắc) năm nay giảm 4,08 điểm. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh.

Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển có sự thay đổi, không còn tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn như những năm trước.

Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.

Đánh giá toàn cảnh điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỹ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn. Điển hình như điểm chuẩn 8 trường khối ngành công an đều giảm mạnh so với năm 2021, hay điểm vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM... đều giảm đáng kể. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau. 

Mặt khác, với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, Bộ GD&ĐT cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng "giỏi ảo". Đồng thời các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng.

Hà Cường

Tin mới