Mới đây, Reuters dẫn một nghiên cứu gần 40 năm trên hàng chục ngàn con chim chết vì bay trúng các tòa nhà cao tầng ở Chicago (Mỹ) đã nhận thấy kích thước của chúng nhỏ dần theo thời gian vì biến đổi khí hậu.
Tổng cộng có 70.716 con chim được phân vào 52 loài, chết trong giai đoạn từ năm 1978- 2016 trong 2 mùa di trú xuân và đông mỗi năm tại Chicago.
Nghiên cứu cho thấy kích thước của chim nhỏ dần đi do khí hậu ngày càng ấm lên.
Theo nghiên cứu công bố hôm 4/12, kích thước cơ thể trung bình của những con chim này nhỏ dần theo thời gian còn sải cánh của chúng tăng dần lên.
Trưởng nhóm nghiên cứu và là nhà sinh học của ĐH Michigan, ông Brian Weeks cho biết, kích thước cơ thể của cả 52 loài chim trong nghiên cứu đều giảm đi.
Trọng lượng cơ thể trung bình của chúng giảm khoảng 2,6%. Chiều dài xương chân cũng nhỏ đi khoảng 2,4%. Sải cánh tăng 1,3% với khả năng để các loài này có thể tiếp tục thực hiện các cuộc di trú đường dài với cơ thể nhỏ hơn.
Nhóm nghiên cứu dựa vào hiện tượng được gọi là Quy luật Bergmann cho thấy những con chim có khuynh nhướng nhỏ đi ở các vùng ấm hơn và to lên ở vùng lạnh hơn. Theo quy luật này, qua thời gian, các loài dần trở nên nhỏ đi vì nhiệt độ tăng.
"Biến đổi khí hậu dường như đã làm thay đổi kích thước và hình dạng của những loài chim này" - ông Brian Weeks cho hay.
Brian Weeks và tủ chứa những con chim đã chết trên đường di cư vì đập vào các tòa nhà cao tầng ở Chicago. (Ảnh: BBC)
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng mới về xu hướng đáng lo ngại của các loài chim Bắc Mỹ là chim ở Mỹ đang dần tuyệt chủng. Một nghiên cứu khác công bố hồi tháng 9 cho thấy số lượng con chim tại Mỹ và Canada đã giảm 29% kể từ năm 1970, tức khoảng 2,9 tỉ con.
Chim không những nhỏ đi mà còn có thể tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu. (Ảnh: USA Today)
Hồi tháng 10, USA Today đăng tải nghiên cứu từ Hiệp hội Audubon quốc gia - một nhóm chủ yếu bảo tồn các loài chim - cho biết khoảng 2/3 số chim của Mỹ sẽ bị đe dọa tuyệt chủng nếu sự nóng lên toàn cầu làm nhiệt độ tăng 15 độ C vào năm 2100.
David Yarnold, CEO và Chủ tịch của Audubon cho biết, khoảng 389 trong số 604 loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Một vài trong số các loài đang gặp nguy hiểm bao gồm các loài chim của quốc gia như chim kim oanh của New Jersey và chim cút của California.
Ngoài việc nhiệt độ ấm lên, các nhà khoa học cũng xem xét các tác động liên quan đến khí hậu đối với các loài chim trên 48 tiểu bang, bao gồm mực nước biển dâng, mực nước của Great Lakes thay đổi, tình trạng đô thị hóa, mở rộng đất trồng trọt, hạn hán, nhiệt độ mùa xuân khắc nghiệt và mưa lớn.
Brooke Bateman, nhà khoa học khí hậu cao cấp của Audubon cho biết: “Chim sẻ là loài chỉ thị quan trọng, nếu một hệ sinh thái bị phá vỡ đối với chim thì nó cũng sẽ sớm xảy ra với con người”.
Chim Mỹ có thể tuyệt chủng nếu nhiệt độ nền tăng lên 15 độ C vào năm 2100.
Báo cáo cho biết, bằng cách ổn định lượng khí thải carbon và giữ ấm tới 2,7 độ so với mức tiền công nghiệp, 76% các loài chim dễ bị tổn thương sẽ trở nên ổn định hơn và gần 150 loài sẽ không còn dễ bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu”.
"Mọi người đều đồng ý rằng khí hậu đang ấm lên nhưng những thí dụ về việc điều này đang ảnh hưởng đến thế giới tự nhiên thế nào thì bây giờ mới dần được đưa ra ánh sáng" - ông Dave Willard, một thành viên của nhóm nghiên cứu nhận định.