Làm công việc lái xe, người đàn ông quê Phú Thọ thường xuyên sinh hoạt không điều độ. 10 năm trước anh được chẩn đoán mắc bệnh gout nhưng không đi khám định kỳ, cũng không điều trị nên bệnh mỗi lúc một nặng.
Cách đây vài năm, mỗi khi thấy các khớp, ngón chân, bàn chân, khớp ngón tay, khuỷu tay đau nhức anh dùng thuốc nhưng không thuyên giảm. Gần đây, khi thấy các khớp hình thành khối u, phát triển ngày càng to, gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt như cầm nắm và đi lại nên anh mới đi viện điều trị.
Bác sĩ khám cho người bệnh bị biến chứng của bệnh gout. (Ảnh: BVCC)
Theo TS.BS Vi Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nam bệnh nhân phát hiện bệnh trên 10 năm nhưng không đi khám và điều trị thường xuyên, cũng như không điều chỉnh chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên tứ chi bị biến dạng.
“Mọi người cần đi khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn, khi phát hiện có bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, tập luyện”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.
Gout là bệnh lý khá phổ biến hiện nay và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout như ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (hải sản, nội tạng động vật, trứng…); sử dụng chất kích thích, uống rượu bia thường xuyên; thừa cân, mắc bệnh béo phì; mắc bệnh lý về thận, tim mạch; trong gia đình có người tiền sử mắc bệnh gout.
Bệnh gout khi được phát hiện không có chế độ điều trị, ăn uống hợp lý, quá trình tiến triển lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như viêm khớp, biếng dạng khớp do lắng đọng các tinh thể urat tạo thành các khối ở vị trí các khớp bàn ngón chân, bàn ngón tay, ảnh hưởng đến chức năng vận động các khớp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí nhiều trường hợp vỡ, nhiễm trùng, xương khớp bị phá hủy, viêm xương phải cắt cụt chi, nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng.