Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Biến chủng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua đường không khí, tỷ lệ lây lan 70%

(VTC News) -

Không chỉ có tỷ lệ lây lan tới 70% với tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước, biến chủng mới virus SARS-CoV-2 còn chủ yếu lây nhiễm qua đường không khí.

Báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ sáng 2/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đợt dịch COVID-19 lần này là biến chủng mới virus SARS-CoV-2 ở Anh.

Qua nghiên cứu, virus này có khả năng lây nhiễm rất cao, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên tới 70%. Mặt khác, thời gian lây nhiễm của chủng mới cũng lây nhiễm nhanh với tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước. Đáng chú ý, thời gian đào thải của mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao.

Theo ông Long, biến chủng mới virus SARS-CoV-2 lần này lây nhiễm chủ yếu qua đường không khí thay vì tiếp xúc như trước đây.

Trước tình hình trên, ông Long kiến nghị Chính phủ yêu cầu toàn bộ người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, người dân cũng phải khai báo y tế bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây. Người dân cũng cân tuân thủ hạn chế tập trung đông người, nhất là trong các sự kiện có không gian kín, xem xét có thể tạm dừng một số lễ hội tập trung đông người không cần thiết.

(Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Về dịch bệnh tại Hà Nội, theo ông Long, dịch có thể kéo dài hơn dự kiến do tình hình lây nhiễm tại Hà Nội khá phức tạp.

Trong cuộc họp với UBND TP. Hà Nội chiều 1/2, ông Long cũng nêu tình hình dịch bệnh ở thủ đô rất quan ngại. Đợt dịch lần này khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.

Chính vì vậy, Hà Nội cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bằng việc thay đổi chiến lược đối phó và nâng ứng phó dịch lên 1 mức so với dịch lần trước.

“Tôi đề nghị chúng ta vừa thực hiện truy vết, nhưng cũng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng ngay. Khoanh vùng càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt. Nơi nào có bệnh nhân thì khoanh rộng hơn và lấy mẫu toàn bộ người dân ở đó. Khi khu vực đó tất cả các mẫu có kết quả âm tính thì mới tính đến giãn cách, khoanh hẹp hơn”, ông Long nói.

Người đứng đầu ngành y tế cũng khẳng định, sở dĩ Hà Nội phải nâng mức ứng phó lên 1 mức so với đợt dịch lần trước là do dân cư ở Hà Nội có quan hệ mật thiết với các tỉnh có dịch và có lịch trình di chuyển khá phức tạp. Vì vậy, trong đợt dịch này, Hà Nội phải coi các trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh. Từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1. F2 có thể cách ly tại nhà, nhưng phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và phải có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc phải đeo khẩu trang; hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi, giải trí; khuyến cáo người dân hạn chế đi tới các tỉnh... “Chúng ta phải chặn nguồn lây. Nếu không, tốc độ lây nhiễm sẽ gia tăng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tính tới 6h sáng 2/2, Việt Nam ghi nhận 1.851 trường hợp mắc COVID-19. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi 1.460/1.851 bệnh nhân.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 27.714. Trong đó, 227 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.917 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 6.570 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Số ca tử vong đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Phạm Quý

Tin mới