Chuyến thăm đối ngoại đầu tiên
Chuyến công tác trong 4 ngày vừa qua là chuyến công du, đối ngoại đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh.
Trong chuyến thăm, đoàn có 2 buổi hội đàm quan trọng giữa Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam và Bí thư Châu ủy châu Văn Sơn.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng mong muốn xây dựng mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa 2 địa phương.
Tại buổi hội đàm, các nhà lãnh đạo 2 địa phương đã chia sẻ cùng mong muốn xây dựng mối quan hệ giữa Hà Giang và Vân Nam nói chung, châu Văn Sơn nói riêng trên tinh thần: Láng giềng, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển với nhiều hoạt động phong phú và thực chất hơn.
Toàn cảnh buổi hội đàm.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Bí thư Châu ủy châu Văn Sơn cũng thống nhất sẽ tăng cường mối giao lưu hữu nghị giữa lãnh đạo các cấp của 2 bên; thực hiện xúc tiến quyết liệt, hiệu quả những nội dung thế mạnh như du lịch, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dược liệu; tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, giao lưu thương mại biên giới, cửa khẩu và quản lý lao động qua biên giới…
Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Trần Hào phát biểu tại buổi hội đàm.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Chuyến công tác rất thành công và hết sức thiết thực, hiệu quả. Chuyến công du, đối ngoại đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy có ý nghĩa lớn, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng, tỉnh bạn láng giềng với chúng ta - nơi cực Bắc, phên dậu của Tổ quốc.
Trong suốt lộ trình chuyến công tác, từ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tới tỉnh Vân Nam và đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã đón tiếp đoàn hết sức trọng thị, gần gũi, nồng hậu và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Vân Nam. Nhiều nội dung hợp tác quan trọng, thực chất đã được thống nhất và đi đến nhận thức chung để xúc tiến triển khai trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, trong thời gian tới các cấp ủy chính quyền các cấp, ngành của của mỗi bên sẽ xúc tiến khẩn trương, quyết liệt để cụ thể hóa và tiến hành ngay trong quý I năm 2020. Tin tưởng rằng, với mối quan hệ hữu nghị giữa 2 bên, quan hệ hợp tác giữa Hà Giang và Vân Nam sẽ nâng lên một tầm cao mới”.
Vì sao lựa chọn Vân Nam?
Trong 4 ngày thăm và làm việc tại tỉnh Vân Nam, đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh dẫn đầu đã tới thăm và khảo sát hoạt động của Công ty Hữu hạn Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Hâm Thành (Công ty Hâm Thành), huyện Nghiễn Sơn và Khu xử lý hoang mạc đá, huyện Tây Trù, châu Văn Sơn; thăm Khu sinh thái nông nghiệp của Tập đoàn Thần Nông, thành phố Côn Minh.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi hội đàm.
Đây là các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, xóa đói, giảm nghèo nổi bật của tỉnh Vân Nam, có thể nghiên cứu, áp dụng ở Hà Giang.
Công ty Hâm Thành là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại cây ăn quả, rau an toàn, chất lượng cao của châu Văn Sơn; nghiên cứu lai tạo thử nghiệm và sản xuất đại trà những giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường như thanh long vỏ vàng, chanh leo ngọt, lựu hạt đen, dâu tây...
Công ty Hâm Thành còn thực hiện tốt việc liên kết với khoảng 4.500 người dân trong trồng rau và cây ăn quả, với giá trị canh tác bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/660m2 đất canh tác.
Khu vực sản xuất của Công ty Hâm Thành có nhiều điểm tương đồng với 4 huyện vùng cao của Hà Giang như: Khí hậu mát mẻ quanh năm, với mức nhiệt độ bình quân trong năm khoảng 16 – 18 độ; phần lớn người dân sống bằng nông nghiệp; thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây ăn quả…
Qua khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đã đề xuất Công ty Hâm Thành sang Hà Giang nghiên cứu, khảo sát chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất với người dân Hà Giang.
Khu sinh thái nông nghiệp của Tập đoàn Thần Nông có diện tích trên 18ha, gồm bảo tàng, nhà triển lãm khoa học kỹ thuật nông nghiệp, vườn trồng rau xanh, hoa quả sinh thái, nhà hàng, khách sạn…
Một tổ hợp sản xuất, tiêu thụ nông sản khép kín gắn với du lịch, hàng năm sản xuất, cung cấp ra thị trường nội địa và xuất khẩu hàng nghìn tấn rau xanh và đón hàng triệu lượt khách tới tham quan, ăn, nghỉ.
Với tốc độ phát triển du lịch bình quân hàng năm đạt gần 20% của Hà Giang trong những năm qua và những điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, mô hình này có thể ứng dụng tại tỉnh ta nếu có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút đầu tư ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân.
Lãnh đạo huyện Tây Trù tặng quà sản xuất thủ công của huyện cho Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh.
Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang cũng đến thăm và khảo sát Khu xử lý hoang mạc đá của huyện Tây Trù, châu Văn Sơn. Địa phương này là điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo không chỉ của tỉnh Vân Nam mà cả nước Trung Quốc. Tây Trù có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, với trên 74% diện tích tự nhiên là đá vôi, không khác nào Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nhưng với khẩu hiệu “bắt đá trồng cây”, hàng chục năm qua, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và nội lực sức dân, nơi đây đã thực hiện phương châm phá đá để tạo quỹ đất, rời đá khỏi đồng ruộng để canh tác, mở đường giao thông, cải thiện chất lượng nước, phục hồi hệ sinh thái, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói, giảm nghèo.
Trong vòng 20 năm, huyện Tây Trù đã mở mới trên 13.000ha ruộng, xây dựng được 2.200km đường giao thông nông thôn kết nối tới các thôn, xóm; nâng tỷ lệ phủ xanh đất trống trên 25%.
Từ năm 2014 đến nay, người dân nơi đây đã liên kết với doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình trồng cây kiwi với tổng diện tích đạt trên 300ha, năng suất đạt 5.000 tấn. Thu nhập bình quân đầu người từ năm 2014 đến 2018 tăng từ 4.000 nhân dân tệ/năm lên 12.000 nhân dân tệ/năm.
Các thành viên đoàn công tác tỉnh Hà Giang đánh giá rất cao mô hình này về phương pháp thực hiện và hiệu quả mang lại cho đời sống nhân dân. Rất phù hợp để nghiên cứu, thí điểm áp dụng cho một số vùng trên Cao nguyên đá Đồng Văn.