Sáng 1/11, phát biểu về tình hình kinh tế xã hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trong dịp vừa qua khi các tỉnh Tây Bắc bị thiên tai lũ quét gây ra những thiệt hại nặng nề.
"Nhìn nhà cửa của bà con tan hoang, chúng tôi tự hỏi không biết bao giờ đồng bào mới dựng lại được nhà cửa", ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Quochoi)
Thống kê năm 2016 cho thấy thu nhập của đồng bào miền núi phía Bắc chỉ là 2,03 triệu đồng/tháng, chỉ đủ chi tiêu không thể có tích lũy. Trong khi thu nhập ở thành thị bình quân là 4,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 60% dân số Việt Nam đang ở vùng nông thôn, miền núi.
Từ đó, ông Nhân cũng bày tỏ lo lắng khi quá trình công nghiệp hóa không thể diễn ra nhanh ở miền núi và nông thôn, thì thu nhập chênh lệch giữa các vùng miền sẽ còn kéo dài.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng dẫn số liệu thống kê xuất khẩu năm 2016: dầu thô 2,4 tỉ USD, gạo 2,15 tỉ USD, cà phê 3,3 tỉ USD, thủy sản 7 tỉ USD và xuất khẩu rau, hoa, củ, quả đạt 2,45 tỉ USD.
"Như vậy là lần đầu tiên xuất khẩu rau, củ, hoa, quả đã lớn hơn xuất khẩu dầu thô", ông Nhân phân tích.
Số liệu thống kê chỉ ra xuất khẩu dầu thô 5 năm qua giảm 5 tỉ USD, còn củ, quả, rau, hoa lại tăng bình quân 30% mỗi năm. Dự báo đến năm 2022, rau, hoa, củ, quả sẽ xuất khẩu được 9-10 tỉ USD.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Chính phủ xem xét đưa nhóm hàng rau, hoa, củ, quả trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Vị đại biểu TP.HCM cho rằng việc sản xuất rau, củ, quả sẽ có nhiều thuận lợi vì người dân đều có kinh nghiệm và có thể trồng trên đất đồi ở miền núi phía Bắc.
Vì vậy, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất các vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, cần thúc đẩy việc thành lập các hợp tác xã để trồng rau, hoa, củ, quả.
Cũng trong sáng 1/11, giải trình rõ hơn những vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phải khẳng định chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và cơ chế thị trường.
Ông Cường cho rằng hai năm vừa qua, diễn biến khí hậu dị đoan hơn, cực đoan hơn, bất thường hơn, gây tổn hại nhiều hơn đến sản xuất nông nghiệp.
"Xuất khẩu chúng ta đã đến 180 nước, với 30 tỉ USD, năm nay dự kiến 35 tỉ USD, chúng ta có nền kinh tế mở về nông nghiệp, hàng hóa nông sản ngoài nước cũng vào chúng ta. Cần phải xác định hàng thế mạnh về giá cả chất lượng, nếu không thì thua ngay trên sân nhà. Chúng ta có thể làm được, chúng ta có những dư địa, có thể mang lại sức cạnh tranh", Bộ trưởng Cường nói.
Video: Xem na 'đu dây' ở Lạng Sơn