Trong buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng, các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số, trả lời PV báo điện tử VTC News, bà Trần Thanh Nhàn, Bí thư huyện ủy Chi Lăng, cho biết, thương hiệu na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Diện tích ước đạt trên 2.300 ha, sản lượng 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu khoảng 700 tỷ đồng.
“Na ở đây được trồng trên khu vực núi đá vôi nhiều canxi, có thể vì thế mà người dân trong vùng trồng ít bị bệnh xương khớp, họ gọi na Chi Lăng là 'vàng trên núi'" bà Nhàn tiết lộ.
Bà Trần Thanh Nhàn, Bí thư huyện ủy Chi Lăng, trả lời phóng viên VTC News.
Bà Nhàn thông tin thêm, đất Chi Lăng gắn với nhiều di tích lịch sử, giao thông thuận lợi nên hiện nay địa phương đang dần hình thành mô hình kết hợp du lịch cộng đồng để du khách có thể đến thăm vườn na và thưởng thức.
Theo ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo huyện đã tới từng hộ dân, phổ biến cho từng người lao động sản xuất cây na tốt, sạch.
Sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, lãnh đạo huyện chỉ đạo kỹ sư, chuyên gia triển khai kỹ thuật đến tận các hộ dân theo quy trình rất nghiêm ngặt. Một trong những kỹ thuật và kinh nghiệm giúp người dân bội thu đó là yêu cầu tất cả các hộ dân trồng na dùng túi nilong bọc trái.
Người dân thu hoạch Na.
"Trước khi bọc từng trái na vài ngày, người ta sẽ phun thuốc diệt trùng, bọc vào để cho khi thu hoạch. Như vậy sẽ hoàn toàn triệt tiêu được thuốc và tránh bọ rệp xâm nhập. Thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định diện tích sản xuất các vùng nông sản chủ lực; tập trung nguồn lực đầu tư vào các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm, tạo mọi điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm hình thành chuỗi giá trị” , Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng nói.
Ông Trường cho hay, nhiều hộ dân trong huyện đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Từ thôn, bản nghèo khó, nay có 60-70% hộ giàu.
Người dân ở địa phương kết hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình “Hội chợ na và các sản phẩm nông sản năm 2022”. Mục đích là tôn vinh cá nhân, hộ gia đình, tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp an toàn.