Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Hà Nội: Nơi nào, cá nhân nào trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ bị kỷ luật

(VTC News) -

Thành ủy sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện, Chỉ thị số 24-CT/TU, nơi nào, cá nhân nào để xảy ra tình trạng trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật.

Chiều 5/12, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Trao đổi về những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Bí thư Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong đó có quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh được thành phố giao, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh đầu tư phát triển các lĩnh vực, nhất là giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố; người đứng đầu phải gương mẫu, sâu sát, quyết liệt.

“Trong năm 2024, chúng tôi đã yêu cầu HĐND thành phố giám sát việc này. Thành ủy cũng sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nơi nào, cá nhân nào để xảy ra tình trạng trì trệ, né tránh trách nhiệm sẽ bị xử lý kỷ luật”, ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với cử tri.

Thay mặt tổ đại biểu trao đổi với cử tri, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, xem xét từng vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, vì mỗi quyết sách của Quốc hội đều sẽ tác động rất lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh. Đây cũng là lý do có những dự án luật, như Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua.

Thông tin nhanh với cử tri về việc Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, các đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận rất cao, tại phiên thảo luận tại hội trường cũng như tại tổ. Nhiều ý kiến thậm chí còn đề nghị phân cấp mạnh hơn nữa cho Hà Nội.

“Trên cơ sở ý kiến tại Kỳ họp, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu tối đa; từ nay đến tháng 5/2024, tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7”, Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin, đồng thời cho biết đã chỉ đạo UBND, HĐND thành phố bắt tay ngay vào chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là có thể triển khai thực hiện ngay.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua sẽ tạo điều kiện rất lớn để Hà Nội phát triển, nhất là có điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng, hiện thực hóa các quy hoạch chiến lược như hình thành 2 thành phố ở phía Bắc và phía Tây, vừa giảm tải cho nội đô, vừa tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô; xây dựng các cầu lớn qua sông Hồng, chuẩn bị dự án đường sắt đô thị...

Cùng với hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố sẽ tập trung hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phấn đấu kịp trình Quốc hội thông qua cả 3 nội dung này vào Kỳ họp thứ 7.

Minh Tuệ

Tin mới