Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí thư Đồng Nai: Sân bay Long Thành là động lực phát triển mới của Đông Nam Bộ

(VTC News) -

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ là một trong những động lực phát triển mới của tỉnh và toàn vùng Đông Nam Bộ.

Chiều 15/3, phát biểu tại Hội nghị trao đổi thông tin giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ với TP.HCM là hạt nhân là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

Giữa các địa phương trong vùng có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử văn hóa trong suốt quá trình hình thành và phát triển. 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định Cảng HKQT Long Thành hoạt động sẽ là động lực phát triển mới của tỉnh và toàn vùng Đông Nam Bộ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, vấn đề liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ ngày càng trở nên quan trọng. Sự phát triển của địa phương này là động lực, cơ hội phát triển của các địa phương khác.

“Tôi tin tưởng rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Sân bay Biên Hòa, các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Phà Cát Lái đi vào hoạt động sẽ làm động lực phát triển mới của tỉnh Đồng Nai cũng như các địa phương khác trong vùng.

Đặc biệt, việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng để cùng quy hoạch du lịch sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, khai thác lợi thế về cảnh quan đô thị ven sông sẽ tạo ra diện mạo rất đẹp đẽ, rất đáng sống của các của các đô thị ven sông cũng như du lịch đường sông”, ông Lĩnh nói.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, thảo luận về một số dự án như Vành đai 3, Vành đai 4, hợp tác du lịch, cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ.

Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai cho biết, khai thác du lịch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai sẽ tạo ra diện mạo rất đẹp đẽ, rất đáng sống.

Đáng chú ý, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu thay phà Cát Lái trong giai đoạn 2025-2030. Ông Lâm kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cầu Cát Lái để UBND TP.HCM phối hợp thực hiện.

Theo ông Lâm, sau năm 2030, Đồng Nai và TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng thêm 2 cầu khác bắc qua sông Đồng Nai. 

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2024 - 2025, TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ tiếp tục thực hiện nhiều nội dung. Cụ thể, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã phối hợp triển khai các dự án Vành đai 3 cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các dự án thành phần do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công tính đến trước thời điểm khởi công ngày 30/6/2023.

Đối với việc phối hợp triển khai các dự án đường Vành đai 4, ông Lâm cho biết UBND TP.HCM cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức 2 phiên họp về dự án Vành đai 4.

Đồng thời, UBND TP.HCM đề xuất, trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường vành đai 4.

Riêng với các dự án cao tốc liên kết vùng và các dự án đường sắt, TP.HCM tập trung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trong quý 2/2024. 

Lương Ý

Tin mới