Đã thành thông lệ, Tết Đoan Ngọ mà thiếu chút hương nồng, men say của món cơm rượu nếp thì chẳng khác nào Tết Nguyên đán thiếu đi bánh chưng, bánh tét. Món ăn dân dã này có vị thơm ngọt xen chút cay nhẹ rất đặc trưng, dân gian cho là có tác dụng diệt sâu bọ.
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ không thể thiếu món cơm rượu nếp.
Là người đam mê ẩm thực, chị Đoàn Phương Thảo (Hà Nội) chia sẻ bí quyết làm cơm rượu nếp cho Tết Đoan ngọ tại nhà. Chị Thảo cho biết quá trình làm cơm rượu nếp ngon phải qua nhiều bước cầu kỳ, chỉn chu, từ khâu lựa loại gạo nếp ngon nhất đến 2 lần đồ chín, đến khâu tơi đều cơm ra khay, trộn cùng bột men gạo thơm được giã mịn từ những viên men rồi gói lại, ủ chín trong đôi ba ngày tiếp theo.
Để món ăn được hoàn hảo, nên chọn nếp cẩm Tây Bắc và gạo nếp cái hoa vàng, hạt to đều chắc mẩy, ủ men vừa chín tới sẽ cho vị ngọt thơm sâu thật sâu.
Hãy cùng tham khảo công thức làm cơm rượu nếp của chị Đoàn Phương Thảo nhé.
Nguyên liệu
- Nếp cái hoa vàng: 2 kg
- Nếp cẩm
- Men: 80 gr
Lưu ý: Chọn loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu mà chưa chưa được xát bỏ lớp cám, gạo nếp cái không có màu trắng tinh mà hơi ngà vàng.
Cách làm
Bước 1: Vo sạch gạo rồi ngâm khoảng 10-12 tiếng trong nước lạnh. Vớt gạo nếp ra rửa sạch lại rồi đổ gạo ra giá để ráo.
Bí quyết làm cơm rượu nếp thơm ngon cho Tết Đoan Ngọ: Ngâm gạo 12 tiếng.
Bước 2: Sử dụng xửng hấp cho nước ở tầng dưới của nồi, đun nước sôi rồi đổ gạo lên tầng trên, đun tầm 30 phút cho chín tới, dỡ cơm ra mâm, để nguội tơi từng hạt. Sau đó bạn đồ lại một lần nữa để hạt gạo chín kỹ.
Nên nhặt bỏ bụi, trấu dính vào men rồi giã mịn.
Bước 3: Khi cơm nếp đã chín, bạn giàn đều ra mâm cho cơm nguội bớt, lúc còn hơi ấm ấm một chút thì mới bắt đầu trộn cơm với men. Trong quá trình chờ đợi cơm nguội, hãy đem men ra nghiền nhỏ và lọc bột men qua rây lọc để bột được mịn.
Bước 4: Cho cơm và men vào trộn đều với nhau, có thể trộn bằng muỗng nhưng nên đeo găng tay để trộn được đều.
Bước 5: Đặt lá sen vào chậu, cho cơm đã trộn đều với men vào lá, gói lại. Bọc thêm 2-3 lá hoặc lấy khăn bọc ủ bên ngoài (không cần ép chặt quá, để có không khí cho men hoạt động). Tuỳ theo nhiệt độ, thời tiết, bạn ủ từ 3-5 ngày.
Sau 3-5 ngày ta có món cơm rượu thành phẩm.
Thành phẩm cơm rượu nếp đạt nếu có nước chảy ra, ăn có vị cay của rượu, vị ngọt của nước đường và cơm nếp.
Chúc các bạn áp dụng thành công bí quyết làm cơm rượu nếp thơm ngon cho Tết Đoan Ngọ.