Bang Kerala được mệnh danh "vùng đất thánh thần" ở Ấn Độ. Không chỉ sở hữu quang cảnh tuyệt đẹp với những hàng cây xanh mướt và đầm nước chảy song song biển Ả Rập, nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống, được cho là nơi sinh ra hệ thống y học Ayurveda.
Ayurveda (khoa học cuộc sống) quan niệm thở, thiền, massage và nhất là chế độ ăn uống tác động mạnh mẽ tới sức khỏe. Bác sĩ Sanjay Gupta phụ trách mục Y tế của CNN giải thích thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào việc mình sẽ ăn gì để nạp đủ calo. Trong khi đó, Ayurveda xem xét cả thời điểm ăn và nhiệt độ của thực phẩm.
Gia vị là phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng theo triết lý Ayurveda của người Kerala. (Ảnh: Soul of Yoga)
Theo triết lý Ayurveda, năng lượng cuộc sống vũ trụ, bao gồm cả con người, hiển lộ dưới dạng ba năng lượng khác nhau, còn gọi là dosha: vata, pitta và kapha. Mỗi loại dosha lại phù hợp với một kiểu ăn uống khác nhau. Ví dụ, người thuộc nhóm vata nên tránh ăn đồ lạnh, tăng cường bơ và chất béo; người pitta nên ăn hoa quả ngọt như xoài, dưa và hạn chế gia vị nóng; người kapha nên giảm dầu mỡ và tập trung vào rau củ.
Theo Das Sreedharan, một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất Kerala, mỗi miếng thức ăn bạn nạp vào cơ thể đều mang ý nghĩa, chức năng cụ thể nào đó. Gian bếp của ông có hàng nghìn lọ đựng thảo mộc, bên ngoài dán nhãn ghi rõ tên và công dụng, sử dụng thức ăn làm thuốc chữa bệnh. Người Kerala dùng gừng để phòng ngừa bệnh viêm khớp và bệnh tiêu hóa, quế để tăng cường lưu thông máu và hạ đường huyết, cỏ cà ri (khổ đậu) để chống nhiễm trùng.
Sreedharan cho biết mỗi bữa cơm của người Kerala phải có đủ 6 loại vị khác nhau là ngọt, mặn, chua, đắng, cay/nóng và vị chát. Khi ăn, bạn nên tuân theo đúng thứ tự này để cảm thấy hài lòng hơn và tránh ăn quá nhiều.
Bác sĩ Gupta nhận định chế độ dinh dưỡng theo triết lý Ayurveda của người Kerala phát huy hiệu quả chính nhờ tìm ra những thực phẩm phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đó, người Kerala chú trọng ngay từ khâu chuẩn bị bữa ăn. Họ cũng có thói quen nhai chậm, không dùng thực phẩm chế biến sẵn hay thêm đường.
"Kiểu ăn này có thể đem tới lợi ích cho tất cả mọi người, dù cho họ sống ở đâu", bác sĩ Gupta kết luận.