Lương y Bùi Đắc Sáng Hội Đông y Hà Nội chia sẻ trên Báo VnExpress rằng, cua đồng là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng, nhiều dưỡng chất như protid, lipid, glucid, vitamin, muối khoáng, canxi. Trong Đông y, cua đồng vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương.
Tuy nhiên, phụ nữ có thai, người đau ốm mới khỏe, hệ thống tiêu hóa còn yếu, người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) nên tránh ăn cua đồng.
Ngoài ra, cua đồng vốn có tính hàn nên những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm không nên ăn. Người bị tiêu chảy, huyết áp cao, bệnh tim mạch, gout, cơ địa dị ứng cũng cần hạn chế dùng.
Người ốm không nên ăn cua đồng. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, cua đồng sống ở trong khe núi, kênh, rạch, bờ ruộng nên có thể chứa nhiều vắt, đỉa, giun sán gây bệnh cho người, đặc biệt là phần mai cua. Do đó, bạn cần chế biến sạch trước khi ăn.
Bạn không được uống nước cua sống vì có thể chứa ấu trùng sán lá. Đặc biệt là dùng thuốc uống nước vắt từ cua đồng giã nhuyễn trị bầm tím do té ngã ứ huyết, uống nước giã nhuyễn cua đồng sống để trị ngộ độc do ăn khoai mì (sắn)... là những cách hết sức nguy hiểm vì dễ nhiễm ký sinh trùng (sán).
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế California (Hoa Kỳ), ăn cua đồng sống hay nấu chưa chín có thể bị bệnh sán lá phổi do ký sinh trùng paragonimus.
Ký sinh trùng này sống bám trên cua đồng, khi vào tới ruột người gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sau đó chúng sang phổi gây ho, đau tức ngực, khó thở, nóng sốt, nổi mề đay... Nếu sán cư trú ở não thì thường gây cơn động kinh, ở gan thì tạo áp xe gan.
Khi ăn cua, bạn nên tiêu thụ cùng lá tía tô, gừng để giảm bớt tính hàn. Có thể cho chút muối hạt vào cua đồng, để trong chậu xóc mạnh, rồi rửa sạch chất bẩn bám trên mình cua. Bạn nên tự tay chọn cua đồng còn sống, loại cua cái, tránh mua phải con chết.