“Snegurochka” - công chúa Tuyết - là một nhân vật cổ tích của Nga. Đó là cháu gái, bạn đồng hành và cũng là trợ thủ đắc lực của “Ded Moroz” (ông già Tuyết - ông già Noel).
Công chúa Tuyết ra đời thế nào?
Dân gian Nga kể rằng ông già Noel có hai căn nhà ở Phần Lan và Bắc Cực, nhưng ông lại rất yêu quê hương và vẫn luôn sống trong ngôi nhà của mình tại thị trấn Veliky Ustyug, vùng Vologda (phía tây bắc nước Nga). Nhà của ông già Tuyết là địa điểm du lịch rất hấp dẫn và có trên 200.000 lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Công chúa Tuyết không phải là nhân vật được sinh ra từ thần thoại dân gian cổ xưa của Slavs mà chỉ mới xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, đối với nhiều người, dường như cô đã tồn tại xuyên suốt cùng với nước Nga.
Snegurochka là nhân vật trong truyện cổ tích do nhà văn Alexander Afanasyev - người được coi là “anh em nhà Grimm” của nước Nga - sáng tạo và xuất bản năm 1869. Truyện kể rằng hai vợ chồng nông dân nghèo Ivan và Maria sống với nhau đã lâu nhưng không có con. Họ rất buồn. Mùa đông đến, ngoài trời tuyết rơi rất dày. Họ ra khỏi nhà và nặn một con búp bê.
Công chúa Tuyết - một nhân vật cổ tích của Nga.
Kỳ lạ là sau khi hoàn thành, búp bê lại cử động và nói được. Hiểu rằng đây là món quà mà Chúa ban tặng, hai vợ chồng đặt tên cho cô gái là Snegurka (búp bê tuyết) và từ đó họ sống cùng nhau.
Khi mùa đông trôi qua, Snegurka ngày càng buồn bã. Sau một hôm đi dạo với các bạn trong rừng, đêm xuống, họ đốt lửa sưởi ấm, Snegurka bỗng hóa thành đám mây trắng và biến mất mãi mãi.
Sau này, nhân vật này một lần nữa xuất hiện trong tác phẩm của Alexander Ostrovsky - một trong những nhà soạn kịch nổi tiếng nhất nước Nga và cũng là người dân vùng Kostroma với cái tên Snegurochka. Ostrovsky từng được người vú nuôi chăm sóc một thời gian, người đưa vào tuổi thơ ông vô số câu chuyện cổ tích và truyền cảm hứng để ông đưa nhân vật Snegurochka vào đời sống.
Công chúa Tuyết hồi sinh khi năm mới trở thành ngày lễ chính của mùa đông năm 1935, thay cho Giáng sinh.
Trong tác phẩm của Ostrovsky, Snegurochka là con gái của nữ thần Mùa xuân và ông già Tuyết. Cô rất mong được kết bạn với con người, nhưng lại không thể yêu. Vì thế mẹ cô đã ban tặng cho cô khả năng này. Nhưng vì được tạo nên từ tuyết nên khi tình yêu đến, trái tim nóng rực đã làm tan chảy Snegurochka.
Đến thời Nicholas Đệ nhị (Sa hoàng cuối cùng của Nga), nhân vật Snegurochka gắn liền với các lễ hội mùa đông. Cô trở thành một phần của các sự kiện mừng Giáng sinh cho tới khi Liên Xô ban hành lệnh cấm các ngày lễ tôn giáo trong năm. Công chúa Tuyết hồi sinh khi lễ mừng năm mới trở thành ngày lễ chính của mùa đông vào năm 1935, thay cho Giáng sinh.
Công chúa Tuyết trở thành một phần không thể thiếu của các lễ hội trên khắp nước Nga.
Kể từ đó trở đi, Snegurochka trở thành người hỗ trợ ông già Tuyết và trở thành phần không thể thiếu của các lễ hội trên khắp nước Nga. Cùng với ông già Tuyết, cô luôn mang theo những món quà cho trẻ nhỏ mỗi khi xuất hiện. Dần dần, hình ảnh công chúa Tuyết xâm nhập các nền văn hóa khác và trở thành một trong những biểu tượng của Noel trên thế giới.