Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí mật động trời mà Thành Cát Tư Hãn mang xuống mồ suốt 800 năm

Có tư liệu cho rằng, 40 cô gái trẻ mặc lụa quý, đeo trang sức vàng bạc được chôn cùng Thành Cát Tư Hãn để "hầu hạ" ông dưới âm phủ.

 Nơi chôn Thành Cát Tư Hãn vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Một quan điểm cho rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn ở một nấm mồ không có dấu hiệu nhận biết. Quân lính mang xác của ông đã giết tất cả những người nhìn thấy trên đường. Người xây mộ cũng bị giết và sau đó những người khiêng xác ông cũng tự vẫn.

Dù độ xác thực ra sao, địa điểm nấm mồ vẫn chưa được xác định. Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ học và sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết quanh nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, chính quyền Mông Cổ kiểm soát rất chặt việc đào xới trên vùng đất thiêng nên việc tìm kiếm mộ của người đứng đầu đế chế Mông Cổ vẫn là một điều rất khó khăn.

Thành Cát Tư Hãn được cho là qua đời vào cuối mùa hè năm 1227 tại núi Lưu Bàn thuộc Trung Quốc. Thi thể của ông được đưa về Mông Cổ để an táng. Nhằm giải quyết bí ẩn lịch sử này, nhà báo Robin Ackroyd đã tới Mông Cổ. Ông dành 2 tháng và di chuyển 700km trên lưng ngựa, tới những địa điểm Thành Cát Tư Hãn từng sinh sống. Robin cũng tới thăm nhiều vùng đất khác nhau được cho là chứa mộ của Thành Cát Tư Hãn.

 Robin Ackroyd ở Burkhan Khaldun, nơi được cho là chôn cất Thành Cát Tư Hãn.

Trong cuốn sách tựa đề “Thành Cát Tư Hãn: Mộ linh thiêng, kho báu bí mật”, Robin đã mô tả lại quá trình khám phá Mông Cổ và đưa ra các cứ liệu lịch sử về thời điểm Thành Cát Tư Hãn sinh sống. Sau khi giám định các thư tịch cổ và tìm hiểu đời sống hiện đại ở Mông Cổ, Robin khẳng định đã tìm thấy nơi chôn Thành Cát Tư Hãn.

Để hiểu được Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành đế chế Mông Cổ, Robin sử dụng nhiều sử sách xưa để chắp nối lại cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của ông. Trong số này có hai thư tịch quan trọng là “Lịch sử bí mật đế chế Mông Cổ” viết ngay sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời. “Cuốn sách rất tôn trọng sự kiện lịch sử”, Robin trả lời tờ IBTimes Anh.

“Chúng ta có thể thấy được rất nhiều sự thật đã được chứng minh trong cuốn sách. Có nhiều tướng lĩnh Mông Cổ tham gia biên soạn cuốn sách ngay sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời”, Robin viết.

Cuốn thứ hai được tác giả Rashid al-Din viết khoảng năm 1300. Rashid là một người Ba Tư nhưng ông muốn dành hết tâm huyết cho lịch sử đế chế Mông Cổ. “Rashid cố gắng để hiểu chuyện gì đã xảy ra, nơi Thành Cát Tư Hãn được chôn và giải mật những bí ẩn quanh ngôi mộ của vị hoàng đế này”, Robin nói.

Hiện có nhiều giả thuyết xoay quanh cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Một số người cho rằng ông bị ốm. Cuốn “Lịch sử bí mật đế chế Mông Cổ” viết ông ngã từ lưng ngựa trong mùa đông và bị nhiễm trùng sau đó. Một giả thuyết khác cho rằng ông bị thương khi tìm cách hãm hiếp một cô gái bắt giữ được của đối phương.

Trong cuốn sách của mình, Robin viết nguyên nhân thực sự về cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn được giấu kín nhằm đảm bảo uy danh cho vị hoàng đế. Nếu chết trong tay kẻ thù, hình ảnh Thành Cát Tư Hãn sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Tương tự, chết vì bệnh tật cũng không phải là một điều hay với Thành Cát Tư Hãn.

 Tác giả Robin Ackroyd rong ruổi 700km trên các thảo nguyên xa xôi ở Mông Cổ.

Thời gian Thành Cát Tư Hãn qua đời cũng là một ẩn số. Dù vậy, giả thuyết được đưa ra nhiều nhất là cuối mùa hè, tầm tháng 8 năm 1227 khi nhiệt độ ở Mông Cổ bắt đầu sụt giảm nhanh chóng. Ban ngày trời nóng như đổ lửa nhưng ban đêm lạnh cắt da cắt thịt. Thời tiết như vậy khiến Thành Cát Tư Hãn mắc bệnh và qua đời.

Việc đưa thi thể Thành Cát Tư Hãn về quê nhà để an táng đặc biệt quan trọng trong quan niệm xưa. Thư tịch Mông Cổ thế kỷ thứ 7 khẳng định Thành Cát Tư Hãn đã được đưa về quê nhà sau khi chết. Nội dung trong đó khẳng định Thành Cát Tư Hãn được chôn tại sông Kherlen, nơi Thành Cát Tư Hãn từng đóng quân khi còn sống.

Học giả Rashis al-Din viết rằng quan tài của Thành Cát Tư Hãn được đưa tới địa điểm trên và nghi lễ được thực hiện ở đó. Hoàng tử, chỉ huy tối cao Mông Cổ cũng có mặt, họp bàn để đưa ra đường lối phát triển tương lai của đất nước.

 Thành Cát Tư Hãn được mệnh danh là "bá chủ vũ trụ" vì khả năng quân sự tài tình của ông.

Thành Cát Tư Hãn có lẽ được chôn cùng những đồ tùy táng, ngựa thiêng và cả người. Một tư liệu cho biết 40 cô gái trẻ mặc lụa quý, đeo trang sức vàng bạc đã bị giết và chôn cùng Thành Cát Tư Hãn. Quan niệm xưa cho rằng Thành Cát Tư Hãn chết nhưng vẫn cần người hầu kẻ hạ ở dưới âm phủ.

Sau đám tang chính thức, nhiều nghi lễ khác được cử hành. Robin lí giải đây là biện pháp nhằm đánh lạc hướng địa điểm thực tế chôn Thành Cát Tư Hãn.

Với các giả thuyết đưa ra, có 3 quan điểm về nơi chôn cất nổi bật và được chấp thuận nhiều hơn cả. Địa điểm đầu tiên là tường thành Almsgivers ở tỉnh Khentii. Nhiều ngôi mộ từng được tìm thấy ở đây khiến giả thuyết về nơi chôn Thành Cát Tư Hãn được nhen nhóm. Dù vậy, không ngôi mộ nào có dấu tích của hoàng gia xa xỉ.

Địa điểm khác là Avarga gần Delgerkhaan, một địa điểm Thành Cát Tư Hãn từng trú quân. Với hoàng đế Mông Cổ, nơi này không có nhiều giá trị bởi nó cách xa nơi sinh của ông tới 200km. Nơi cuối cùng là núi thiêng Burkhan Khaldun.

Khu vực 240 km2 quanh núi thiêng Burkhan Khaldun được gọi là Ikh Khorig. Vùng đất linh thiêng này cấm tất cả người ngoài xâm nhập. Bất kì ai tiến vào đều bị xử tử. Thư tịch cho biết Thành Cát Tư Hãn từng sống ở đây thời thanh niên lúc chiến đấu chống quân Merkid. Ông đã phải lên núi ẩn trốn và sống sót. Từ đó, Thành Cát Tư Hãn hứa sẽ tôn thờ núi thiêng Burkhan Khaldun.

Robin cho biết nhiều tài liệu đề cập tới quan niệm của người Mông Cổ rất muốn được chôn ở vùng đất cao. Chẳng hạn trong cuốn “Lịch sử bí mật đế chế Mông Cổ”, bạn thiếu thời và sau đó là kẻ thù của Thành Cát Tư Hãn –Jamukha- từng cầu xin ông hãy chôn thi thể mình trên một ngọn núi cao. Một số tướng lĩnh cấp cao khác dưới trướng Thành Cát Tư Hãn sau khi tử trận cũng được chôn trên núi. Với vai trò là tổng chỉ huy quân đội Mông Cổ, dễ hiểu vì sao Thành Cát Tư Hãn có thể được chôn ở núi thiêng Burkhan Khaldun.

Địa điểm núi thiêng này so với những nơi khác ở Mông Cổ rất phù hợp để an táng một vị hoàng đế. Núi Burkhan Khaldun là nơi 3 con sông hợp dòng. Chưa kể trên đỉnh núi thiêng có một tảng đá lớn với hình thù chạm trổ kì lạ. Robin tin rằng nó được bàn tay con người khiêng tới đây.

Chính quyền Mông Cổ cũng tuyên bố núi Burkhan Khaldun là địa điểm khả dĩ nhất Thành Cát Tư Hãn được chôn cất. Năm 2015, nơi đây được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chính quyền Mông Cổ chắc chắn sẽ không bao giờ đào xới khu vực linh thiêng này.

“Việc rà soát và đào bới ở núi Burkhan Khaldun là điều bất khả trong tương lai”, Robin nhận định. “Điều quan trọng nhất với người Mông Cổ là Thành Cát Tư Hãn đã quay trở về quê hương sau khi qua đời ở Trung Quốc”.

Nhiều người Mông Cổ tin rằng nếu tìm ra mộ của Thành Cát Tư Hãn, đó là sự báng bổ. Nhiều quan niệm cổ xưa về mộ và chôn cất vẫn tồn tại tới ngày hôm nay. Chính những niềm tin sắt đá này giúp những khu mộ xưa vẫn được bảo tồn sau 800 năm. Người du mục Mông Cổ cho rằng tiền nhân đang sống ở nơi linh thiêng bên dưới nầm mồ nên việc đào lên là điều không tưởng và bất kính.

Robin nói: “Nếu suy luận của tôi là chính xác, khả năng rất lớn núi thiêng Burkhan Khaldun là nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn. Hãy nhìn lên điểm cao nhất của ngọn núi này. Tôi tin rằng Thành Cát Tư Hãn đang nằm yên nghỉ dưới đó”.

Nguồn: Quang Minh (Dân việt)

Nguồn:

Tin mới