Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí kíp chấm dứt các cuộc khẩu chiến giữa bố mẹ và con cái vì khoảng cách thế hệ

Chìa khóa để giải quyết vấn đề chẳng hề cao siêu mà ngược lại rất đơn giản nếu như mọi người chịu lắng nghe.

Từ trước đến nay, trong bất cứ gia đình nào cũng đều tồn tại khoảng cách về suy nghĩ và tư tưởng giữa các thế hệ. Đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, với những thay đổi chóng mặt về công nghệ và đời sống xã hội, khi mà giữa những người chỉ cách nhau 5 – 10 tuổi đã xuất hiện sự khác biệt về giá trị quan và lối sống, thì dường như khoảng cách đó trong mỗi gia đình lại càng được nới rộng hơn bao giờ hết, thậm chí dẫn đến những mâu thuẫn gay gắt giữa cha mẹ và con cái.

Chúng ta vẫn vẹn nguyên tình cảm với cha mẹ như tuổi còn thơ, nhưng vì sao mối quan hệ lại ngày càng xa cách? Vì sao những cuộc nói chuyện với gia đình không còn mang lại sự vui vẻ mà chỉ toàn bực bội? Vì sao cha mẹ không hiểu ta, và dường như cũng không cố gắng để hiểu? Liệu chúng ta có đang tự tin thái quá với góc nhìn của bản thân?

Khoảng cách thế hệ - Đơn giản là khoảng cách, không có đúng hay sai

(Ảnh: @ lolzpicx)

Phải thừa nhận một điều rằng giữa thế hệ bố mẹ và con cái luôn có một khoảng cách về tuổi tác, tâm sinh lý.. .bởi việc được sinh ra, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong từng thời kỳ kinh tế, xã hội khác nhau sẽ hình thành nên những tư tưởng khác nhau. Vậy nên sẽ khó có thể khẳng định rằng bố mẹ sẽ đúng hoàn toàn vì suy nghĩ của thế hệ trước chắc gì đã hợp thời với hiện tại. 

Nhưng không có nghĩa là vì khác biệt thời đại nên lời bố mẹ chắc chắn sai. Sự thật là cho dù ta có khôn ngoan và hiểu biết đến đâu đi nữa, thì cha mẹ vẫn là những người với kinh nghiệm sống dày dặn hơn chúng ta hàng chục năm, và nhờ vậy, cha mẹ có thể nhận ra những khía cạnh trong cuộc sống mà ta chưa đủ vốn sống để nhận biết. 

(Ảnh: @ tricitiesonadime)

Vậy nên thay vì khăng khăng rằng mình đúng và cha mẹ sai trong mọi trường hợp, hãy thử đặt niềm tin nhiều hơn vào họ và suy xét cẩn thận những lời khuyên họ dành cho mình.

Chẳng có đúng hay sai để áp đặt lên nhau, chỉ đơn giản là khoảng cách. Và để vượt qua khoảng cách đó cần sự thấu hiểu từ cả 2 phía.

Cố gắng tranh cãi để thay đổi quan điểm là không cần thiết

(Ảnh: @ekpaideushdixwsoria)

Thay đổi quan niệm của một người về vấn đề nào đó chưa bao giờ là việc dễ dàng, và với những người thuộc thế hệ lớn tuổi thì còn khó khăn hơn gấp bội, vì có những giá trị, tư tưởng và lối sinh hoạt đã ăn sâu vào tiềm thức họ hơn nửa đời người. Đôi khi việc bạn có thể làm chỉ đơn giản là chấp nhận và học cách dung hòa với những giá trị quan đó. Bạn không cần phải chứng minh rằng mình đúng trong mọi trường hợp.

Bởi vậy, mỗi khi đối mặt với một quan điểm trái chiều, ta cần tập thói quen tự hỏi bản thân rằng, “Vấn đề này có đáng để đem ra tranh luận không?”, “Việc chứng minh được rằng mình đúng có tác động tích cực đến cuộc sống của mình không?” để phân biệt đâu là những vấn đề mà sự trao đổi, thảo luận với cha mẹ là cần thiết, và đâu là những vấn đề ta có thể bỏ qua và chấp nhận sự khác biệt.

Học cách thấu hiểu

(Ảnh: Dribbble)

Khi cảm thán rằng “bố mẹ chẳng ai hiểu mình”, liệu người trẻ từng nghĩ “mình có thực sự hiểu bố mẹ”? Sẽ có người mạnh dạn trả lời rằng “tất nhiên mình hiểu, bố mẹ lúc nào cũng như vậy, chẳng cần hỏi cũng biết”. Thực ra chính chúng ta mới đang là người áp đặt suy nghĩ của chúng ta lên bố mẹ. Bạn chỉ đang dùng sự hiểu biết đơn thuần, ngắn hạn về bố mẹ để trốn tránh đối mặt với vấn đề, trốn tránh chia sẻ. Đừng bắt ai đó hiểu bạn dù bạn chẳng nói với người đó về điều bạn nghĩ!

Khoảng cách thế hệ giống như một bức tường ngăn cách bố mẹ và con cái. Muốn phá bỏ bức tường này thì phải cả 2 cùng phá, không thể một bên đập tường còn một bên xây lại. Tất cả đều dựa trên nỗ lực thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ và chung tay của cả 2 thế hệ.

Cersei (Tổng hợp)

Tin mới