Sinh năm 1962 tại Seoul, Hàn Quốc, từ nhỏ Kim Ung Yong đã bộc lộ tư chất thông minh, nhạy bén với ngôn ngữ và được mệnh danh là thần đồng xuất sắc nhất xứ Kim chi.
IQ cao hơn Albert Einstein
Khi 6 tháng tuổi, thay vì tập bò như những đứa trẻ khác, Kim Ung Yong bắt đầu tập nói. 4 tuổi, cậu bé Kim Ung Yong khi ấy không chỉ đọc viết thành thạo tiếng Hàn mà còn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Đức.
Kim Ung Yong sở hữu trí tuệ phi thường. (Ảnh: Geniuses)
Kim Ung Yong đạt IQ 210 khi 5 tuổi. Thời điểm đó Kim Ung Yong được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới là người có chỉ số IQ cao nhất thế giới, cao hơn cả nhà khoa học Albert Einstein.
Nhận ra sự nổi trội của con, cha mẹ gửi Kim Ung Yong tới một trường năng khiếu tại địa phương. Tại đây, Kim Ung Yong phát huy được tài năng của bản thân, được nhiều người chú ý tới, thậm chí còn được xuất hiện trên Đài truyền hình Fuji ở Nhật Bản và khiến cả thế giới sửng sốt.
Ở bậc tiểu học, Kim Ung Yong giải được các phương trình toán học phức tạp ngay cả sinh viên đại học còn phải "đau đầu".
8 tuổi, thần đồng Hàn Quốc được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) mời đến Mỹ làm việc với tư cách nhà nghiên cứu. Tại đó, Kim Ung Yong tham gia nhiều dự án khác nhau như thiết kế tàu con thoi, phát triển hệ thống máy tính phục vụ thám hiểm không gian.
Ít tuổi song có trí thông minh hơn người, Kim Ung Yong nhanh chóng nhận được sự yêu mến từ các đồng nghiệp hơn tuổi.
Ai cũng cho rằng chàng trai này sẽ đạt được đỉnh cao danh vọng khi sinh sống, làm việc tại Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng, Kim Ung Yong trải qua tuổi thơ đầy sự cô độc.
Kim Ung Yong xuất hiện trên Đài truyền hình Fuji ở Nhật Bản. (Ảnh: Geniuses)
Trở về quê hương vì sự cô độc
Quyết định sang Mỹ của gia đình thần đồng IQ 210 không chỉ vì lời mời của NASA. Thời điểm đó, Kim Ung Yong là tâm điểm của sự nổi tiếng, cha mẹ lo lắng con sẽ trở thành mục tiêu của những kẻ bắt cóc tống tiền, do vậy sang Mỹ sống là lựa chọn an toàn nhất khi ấy.
Cuộc sống ở Mỹ với công việc tốt, đủ đầy vật chất nhưng không thể thoả mãn tâm hồn của một đứa trẻ. Nỗi nhớ quê hương, bạn bè dần lớn lên trong Kim Ung Yong. Anh cảm thấy cô độc giữa nước Mỹ rộng lớn, đam mê nghiên cứu cũng không thể lấp đầy khoảng trống trong anh.
Mãi đến sau này, khi trưởng thành, anh mới tiết lộ về 10 năm học tập và nghiên cứu tại Mỹ là khoảng thời gian đáng buồn nhất cuộc đời.
Anh cảm nhận mình như cỗ máy bởi cuộc sống chỉ xoay quanh ăn, ngủ, giấy tờ, máy móc. Kim Ung Yong không có nổi người bạn để chia sẻ, giãi bày tâm sự.
Sau nhiều trăn trở, anh quyết định trở về quê nhà. Việc rời bỏ NASA khiến anh nhận về nhiều chỉ trích. Thậm chí người thân, đồng nghiệp của anh cũng không ủng hộ quyết định này, họ cho rằng vì một phút bồng bột mà bỏ lỡ cơ hội quý giá.
Bỏ qua mọi lời khuyên ngăn, Kim Ung Yong vẫn trở về Hàn Quốc. Nhưng trở về quê hương, anh lại bị nhiều người chê trách, nói anh là thiên tài thất bại. Điều này khiến Kim Ung Yong tổn thương, từng nghĩ đến việc tự tử.
Kim Ung Yong từ bỏ hào quang để về nước. (Ảnh: Sina)
Vượt lên những lời tiêu cực, Kim Ung Yong quyết tâm làm lại từ đầu. Để có thể làm việc ở Hàn Quốc, Kim Ung Yong phải có bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học và đại học.
Anh chỉ mất 2 năm để hoàn thành chương trình hết cấp 3. Năm 1981, anh theo học ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học quốc gia Chungbuk khi 19 tuổi. Anh chọn học tại ngôi trường ở ngoại ô thành phố Seoul để tránh bị chú ý. Lúc này, anh được sống đúng độ tuổi của mình, là sinh viên đại học thay vì nhà nghiên cứu được cả nước kỳ vọng.
Gạt bỏ áp lực, anh tập trung học tập và tốt nghiệp. Kim Ung Yong thừa nhận đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất kể từ khi sinh ra. Sau khi trở thành cử nhân, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu Đất đai và Môi trường.
Từ năm 2007, anh Kim làm việc tại phòng phát triển kinh doanh đại học Chungbuk. Sau đó, anh xuất bản rất nhiều bài báo khoa học đóng góp cho sự phát triển của Hàn Quốc.
Năm 2014, Kim Ung Yong trở thành giáo sư của Đại học Shinhan tại tỉnh Gyeonggi ở tuổi 52. Đến nay ông vẫn tham gia cố vấn trong lĩnh vực giáo dục tại Hàn Quốc. Đặc biệt, ông đưa ra nhiều lời khuyên dành cho cha mẹ về việc giáo dục con cái sao cho phù hợp, không nên đặt nặng áp lực khiến con cái tổn thương.
Nhìn lại câu chuyện của Kim Ung Yong, nhiều người mới ngộ ra rằng không phải cứ là thần đồng thì sẽ hạnh phúc. Chính ông cũng tâm sự: “Mọi người hy vọng tôi trở thành chính trị gia xuất sắc hay nhà kinh tế đại tài, nhưng tôi không nghĩ quyết định của mình là sự thất bại. Tôi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại”.