"Bị cáo bỏ qua mặc cảm, bàn tán của dư luận để yêu thương và cưới một người phụ nữ khuyết tật làm vợ. Vậy mà, chỉ vì ghen tuông, nóng giận nhất thời, bị cáo đã gây ra tội ác tày trời với chính vợ mình" - vị luật sư bào chữa cho bị cáo N.V.H (SN 1970, bị truy tố về tội "Giết người") tâm sự với chúng tôi bên lề phiên xét xử.
Chuyện tình cổ tích
Mở đầu phiên tòa hôm ấy, vị chủ tọa cho biết bị cáo N.V.H bị truy tố với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Hai người con của bị hại, cũng là con ruột của bị cáo, sẽ tham gia phiên tòa với tư cách là đại diện hợp pháp cho người mẹ đã khuất.
Nghịch cảnh trớ trêu nhưng ít ai biết được, trước đó, họ từng là một gia đình hạnh phúc, một mái ấm luôn đong đầy tình yêu.
Ông H. sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Năm 28 tuổi, người đàn ông khỏe mạnh, lành lặn này đem lòng yêu cô gái tật nguyền, bị cụt một chân trái. Bỏ qua hết những mặc cảm, khuyên ngăn và không ít lời dị nghị từ dư luận, ông H. quyết cưới cô gái này làm vợ. Họ viết nên một chuyện tình đẹp như cổ tích.
Năm 1998, họ̣ chính thức đăng ký kết hôn. Những ngày đầu về ở với nhau, cuộc sống gia đình vô cùng vất vả. Hai vợ chồng thuê trọ tại quận Bình Tân (TP.HCM).
Hằng ngày, vợ bán vé số dạo bằng xe lăn, chồng chạy xe ôm, rồi bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. 20 năm chung sống hòa thuận, hạnh phúc, cùng chia ngọt sẻ bùi và nỗ lực hết mình, gia đình họ đã gặt hái được quả ngọt khi các con được học hành đến nơi đến chốn.
Năm 2019, con trai lớn đã có việc làm ổn định, con gái út đang là sinh viên một trường đại học ở TP.HCM, kinh tế gia đình dần ổn định. Thế nhưng, ông H. bỗng nghi ngờ vợ ngoại tình, cho rằng vợ se sua, son phấn, thường xuyên đi sớm về khuya nên nhiều lần đi theo tìm hiểu. Rốt cuộc không phát hiện được điều gì. Ôm mối ngờ vực, ông H. bỏ sang nhà chị ruột ở. Một tuần sau, ông quay về phòng trọ, đòi ly hôn. Người vợ không đồng ý.
Bị cáo N.V.H tại phiên tòa.
Kết thúc trong đớn đau
Đứng ở bục xét hỏi, ông H. thuật lại trong lúc tranh cãi, người vợ đã có lời lẽ đe dọa, thậm chí đòi đâm ông nếu tiếp tục nhắc chuyện ly hôn.
Vì tức giận, ông H. lấy một con dao để sẵn trên kệ inox đâm liên tiếp lên lưng vợ. Thấy vợ ngã ra sàn hôn mê, ông H. cầm dao tự đâm mình. Sự việc được phát hiện, cả hai cùng được đưa đi cấp cứu nhưng người vợ không qua khỏi, còn ông H. thì thoát chết.
Tại phiên xét xử, vị luật sư bào chữa cho ông H. nhận định: "Sự ghen tuông của bị cáo xuất phát từ tình yêu thương. Đáng tiếc, do văn hóa thấp, nhận thức về pháp luật và hành vi có phần hạn chế, bị cáo đã chọn cách hành xử sai lệch".
Tuy nhiên, vị chủ tọa cho rằng dù nguyên nhân do đâu thì hành vi của bị cáo cũng không thể chấp nhận được. "Bị cáo nghĩ một người khuyết tật như vậy có ngoại tình được không? Có thể lấy dao đâm bị cáo không? Nếu vợ bị cáo ngoại tình, vì sao chị ấy lại không đồng ý ly hôn?" - vị chủ tọa nghiêm giọng hỏi.
Cúi đầu im lặng thật lâu, ông H. ân hận giãi bày: "Bị cáo đã giết vợ mình. Bị cáo rất đau lòng. Bị cáo muốn được chết theo vợ!". Dường như những câu hỏi chất vấn lương tâm dồn dập tại phiên xét xử đã phần nào giúp kẻ phạm tội ý thức được hành vi man rợ của bản thân mình.
Được nói lời sau cùng, bị cáo quay về phía 2 người con, nói như van nài, tìm sự tha thứ trong tiếng khóc nghẹn: "Tha lỗi cho cha nghe con. Về nói với ông ngoại tha lỗi cho cha". Ngồi bần thần ở hàng ghế sau lưng bị cáo, cả 2 con ông H. sụt sùi khóc.
Hành vi sai trái nào rồi cũng sẽ nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng bản án lương tâm mới là điều đáng sợ nhất, nó sẽ giày vò bị cáo đến suốt cuộc đời.
Hành động côn đồ, hung hãn
Căn cứ vào các tài liệu đã có trong hồ sơ và diễn biến tại tòa, HĐXX nhận định bản thân bị cáo nhận thức được tính mạng con người được pháp luật bảo vệ nhưng vì ghen tuông vô cớ, bị cáo đã tước đi tính mạng của bị hại là người khuyết tật nặng.
Hành động này thể hiện tính côn đồ, hung hãn cao độ. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo đã ăn năn, hối cải, đại diện gia đình bị hại có đơn bãi nại, do đó HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, tuyên phạt bị cáo N.V.H tù chung thân về tội "Giết người".