Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bi hài World Cup sinh viên ký

(VTC News) -

World Cup 2022 đã tạo ra đủ các cung bậc cảm xúc trên sân cỏ, nơi khán đài, trên cả hành tinh nhưng với sinh viên cũng xuất hiện biết bao buồn vui xáo trộn.

Tại một quán trà đá vỉa hè nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Thái Đình Chuyên - Sinh viên ngành Khoa học Dữ liệu - tụ họp cùng nhóm bạn trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để theo dõi trận đấu giữa đội tuyển Hà Lan và đội chủ nhà World Cup 2022 - Qatar.

Đình Chuyên chia sẻ: “Mình thích xem cùng bạn bè ở phòng trọ hoặc tụ tập ở mấy quán trà đá vỉa hè vì bầu không khí khi cùng nhau theo dõi trận đấu rất thú vị. Mình mê tuyển Bồ Đào Nha, bạn mình lại yêu Uruguay, tranh luận nảy lửa mà vui.  Hoặc khi có khi có bàn thắng, tất nhiên, 2 phe cổ động viên sẽ có một bên dâng trào cảm xúc vui mừng, họ hét lên còn một bên sẽ trầm xuống, cảm giác đó nó rất sung sướng. Thế nên, xem World Cup một mình cứ như ăn phở thiếu hành!”.

Đình Chuyên dự đoán tuyển Bồ Đào Nha lên ngôi vô địch World Cup 2022. (Ảnh: Chu Thu)

Chuyên cũng cho biết, nhóm bạn của mình trước đó đã tụ tập ở ký túc xá, phòng trọ của nhau để theo dõi một vài trận đấu đầu tiên sau khi World Cup 2022 khởi tranh. Việc chuyển địa điểm tụ tập ra quán trà đá cũng là cách để nhóm bạn của Chuyên “đổi gió” và cháy hết mình với mùa World Cup năm nay.

Nguyễn Xuân Dũng - Sinh viên ngành Toán học bày tỏ: “Tại những quán trà đá, mỗi cốc nước chỉ năm, mười ngàn, giá cả phù hợp với túi tiền sinh viên. Mặc dù không có màn hình lớn của máy chiếu hay tivi, nhưng chúng mình “mua rẻ được niềm vui”.

Xuân Dũng dự đoán ngôi vương World Cup năm nay thuộc về  đội tuyển Anh. (Ảnh: Chu Thu)

Sướng mà không dám kêu

Một nguyên nhân nữa khiến sinh viên tận hưởng World Cup vỉa hè là không phải ở đâu họ cũng có thể thoải mái hò hét vỡ trời đêm khi chứng kiến những pha đi bóng lắt léo, những bàn thắng đẹp, những lần tiếc nuối khi bóng đập xà ngang, dội cột dọc, đặc biệt là khi theo dõi những trận đấu thuộc khung giờ muộn. 

23h30, vừa mới thiu thiu ngủ, Nguyễn Thu Hương (Trường Đại học Hà Nội) giật mình choàng dậy khi nghe tiếng hét thất thanh vọng ra từ phòng bên: “Lukaku, Lukaku… Ối giời ơi, sút, sút đi…”.

Bị làm cho tỉnh giấc trước âm thanh như hoảng hốt, lặp lại đến 3, 4 lần mà to, to như “hét vào tai”, Hương lật đật chạy sang gõ cửa xem xét tình hình. Hóa ra mấy cu cậu phòng bên đang chúi đầu vào màn hình laptop xem trận cầu giữa đội tuyển Bỉ gặp đội tuyển Croatia. Cũng thông cảm, Hương lườm nhẹ, nhắc nhở: “Đêm hôm mấy ông xem bóng bánh giảm âm lượng đi, tôi nghe thấy nữa là mai thu dọn sẵn đồ đạc xuống mà gặp chủ trọ nhé!”

Nhóm bạn Đình Chuyên và Xuân Dũng cũng cho biết: “Từ trận 22h trở đi, chúng mình phải đóng hết cửa chính, cửa sổ để giảm bớt mức độ ảnh hưởng nếu nhỡ đột ngột tăng “volume” thì cũng đỡ hưởng đến người khác”.

Hai cậu sinh viên hóm hỉnh nói thêm: “Có những hôm phấn khích trước bàn thắng của cầu thủ, mà khuya quá rồi, chúng mình dù đã có ý thức hô hào nhỏ lại, nhưng cũng vẫn lỡ tay đập giường, đập chiếu. Dù vậy, cũng đỡ hơn là reo hò quá khích ở những trận đấu muộn thế này, không cẩn thận còn phải xách vali ra đường ở ấy chứ”.

World Cup với sinh viên ở ký túc xá. (Ảnh: NVCC)

Khác với phương pháp giải tỏa cảm xúc phấn khích ở phòng trọ của Chuyên và Dũng, Hoàng Trung Kiên (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) kể: “Thú thực, bóng đá vui nhất là được reo hò, cổ vũ cùng mọi người. Tuy nhiên, do chúng mình sống trong môi trường tập thể, đặc biệt là ký túc xá, mấy bạn ở cùng phòng với mình, đứa thì phải lấy tay bịt miệng, đứa thì phải chạy vội ra nhà tắm hô hét, ăn mừng”.

Sống ở ký túc xá Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã hơn 3 năm, Trung Kiên  lý giải: “Ở ký túc xá thì sau 22h30 là phải chấp hành nội quy, đảm bảo không mất trật tự gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và các phòng khác, nếu vi phạm sẽ bị ban quản lý lập biên bản. Tất nhiên, cuối kỳ sẽ không được xét để tiếp tục ở ký túc xá nữa”.

Nhậu cùng World Cup?

Chẳng phải sơn hào hải vị, hay ra hàng quán đắt đỏ, cũng không chỉ là mì tôm, cà phê gói, nhiều bạn sinh viên tự chuẩn bị đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh vừa phù hợp với túi tiền để có thể tăng thêm mùi vị trước những diễn biến kịch tính của các trận đấu tại phòng trọ, ký túc xá của mình.

Quây quần bên “bàn nhậu tại gia” trong căn phòng nhỏ ở khu trọ “cổng sau Nhân văn” (Thanh Xuân, Hà Nội), những “bóng hồng” dành sự quan tâm đặc biệt tới trái bóng tròn đang bàn luận rôm rả, dự đoán về tỉ số trận đối đầu giữa đội tuyển Hàn Quốc gặp đội tuyển Ghana.

VTV có chương trình Nóng cùng World Cup. Còn bọn mình, nhờ World Cup mà có Nhậu cùng World Cup, thêm cơ hội ngồi lại với nhau chén bim bim, cá viên chiên hay xa xỉ hơn là mực nướng, bò khô” - Phùng Trang, sinh viên ngành Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) vừa bày biện đồ ăn vặt vừa nói.

Lựa chọn đồ ăn vặt bình dân của sinh viên nơi xóm trọ. (Ảnh: Chu Thu)

Hương Ly - Sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn (Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Việt Nam) - bê “bát” nước ngọt trên tay hài hước tiếp lời: “Người ta nhậu bia rượu, chúng ta nhậu nước ngọt. Mời các bạn nhé!”. 

Ấy thế mà chẳng ai bảo ai, như được bắt nhịp, phòng trọ nhỏ đồng thanh hô đáp bài ca: “Vực nào sâu thăm thẳm/ Vực nào sâu bằng cái ly này; Hò dô ta nào, kéo cái ly này lên nào/ 2,3 zô…2,3 zô…2,3 uống; Sút/ Vào”. Cả phòng được tràng cười hả hê, khu trọ nhỏ cũng vì thế mà trở nên náo nhiệt.

Còn tại khu trọ ở phố Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), nhóm sinh viên nam trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cũng đang tụ tập, quây quần bên nồi lẩu để cùng nhau theo dõi các trận cầu đầy hấp dẫn của World Cup năm nay.

Nhóm sinh viên hào hứng chờ đón và thưởng thức các trận cầu nảy lửa. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về kế hoạch tụ tập xem World Cup “sáng chốt kèo, chiều triển khai luôn”, Phạm Đình Thản (Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) nói: “Bình thường bọn mình chỉ hay pha cốc cà phê, úp bát mì tôm, nhưng hôm nay có 3 trận hay lắm nên cả nhóm rủ nhau đi chợ mua đồ về tự chế biến nồi lẩu, vừa theo dõi trận đấu vừa có đồ tiếp thêm hứng khởi bàn luận, chia ra mỗi bạn cũng chẳng hết là bao”.

Mất tài sản, phai tàn nhan sắc

Nhớ lại bàn thắng của Messi từ chấm phạt đền ở trận tuyển Argentina ra quân gặp Ả Rập Xê Út,  Nguyễn Thanh Phong - Sinh viên ngành Tự động hóa (Trường Đại học Giao thông vận tải) kể lại: “Mới phút thứ 10, khi trọng tài check VAR mình đã nghĩ ngay tới viễn cảnh anh Mười đứng trước chấm phạt đền, dùng cái chân trái tài hoa sút tung lưới của thủ môn Ả Rập”.

Vẻ mặt đang hào hứng bỗng trùng xuống một nhịp, Phong ngậm ngùi nói: “Thế mà linh thật! Argentina được hưởng phạt đền, Messi dễ dàng ghi bàn mở tỉ số, mình phấn khích quá, sẵn chiếc điện thoại trên tay, chẳng nghĩ ngợi gì, ăn mừng mà lia cái ‘bốp’ vào tường nhà, chiếc điện thoại mới mua đã vỡ toang màn hình, còn gì nữa đâu mà khóc với sầu”.

Vui thôi, đừng vui quá các bạn ạ! Messi có bàn thắng còn em mất điện thoại, đúng là đang sướng mà sầu!”, cậu sinh viên tặc lưỡi. Ấy thế nhưng, cậu nói: “Khi Argentina bại trận, có khi còn cái điện thoại nữa, mình cũng ném luôn”.

Thanh Phong cũng cho biết, bình thường cậu hay xem World Cup bằng laptop thế nhưng lần cổ vũ tuyển Hàn Quốc đối đầu Ghana, vì tiếc nuối khi Kim chi không thể lội ngược dòng thành công mà lỡ tay làm điều “dại dột” .

Không cùng chiến tuyến, 2 sinh viên 2 laptop cổ vũ đội tuyển yêu thích của mình. (Ảnh: NVCC)

Tính vốn “nóng như kem”, lại vừa cược với bạn nếu thua sẽ “rửa bát một tuần”. Bất bình đứng dậy, dùng uy lực của cánh tay, chẳng quăng laptop vào tường nhưng Phong phi ngay con chuột vào màn hình. Kết quả, chuột không sống mà laptop chẳng may xô khỏi bàn, úp ngay xuống “đất mẹ”.

Cậu ngập ngừng chia sẻ: “Nghĩ cũng dại mà thôi cũng kệ, tự dưng không đâu vừa phải rửa bát vừa mất tiền chữa bệnh laptop. Đen thôi, đỏ quên đi!”

Cũng là xem bằng điện thoại mà trường hợp này “lạ lắm”! Không có thiệt hại về của nhưng nhan sắc ít nhiều bị “tổn thất”. Hồng Ngọc - Sinh viên ngành Kế toán (Trường Đại học Công đoàn) - cho biết: “Phòng trọ sinh viên thì lấy đâu ra tivi, mà xem laptop thì phải ngồi, nghĩ tới cảnh ngồi xuyên mấy trận đã thấy cột sống bất ổn. Thế là mình xem World Cup bằng điện thoại”.

Điều gì đến thì cũng phải đến, “điện thoại thì bé, căng mắt ra để xem ai đang sút, ai đang chuyền. Mà cầm hồi lâu thì mỏi tay, cầm một tay để xa thì mỏi mắt, thành ra lúc nhịp trận đấu bị chững lại, cầu thủ như “chạy bộ” làm mắt mình díu cả lại, nguyên cái màn hình điện thoại rơi úp vào mặt, đập vào sống mũi, cảm giác nó đau đớn, tỉnh cả ngủ.” - Ngọc nhăn nhó kể.

Chiếc mũi dọc dừa còn bầm tím, Ngọc nhoẻn miệng đùa vui: “ Đấy, xem có trận bóng mà nhan sắc cũng bị hao tổn! Chắc… tại đẹp quá!”.

Chu Thu

Tin mới