Ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết sự thật của bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội với sự xôn xao dư luận là ông đang đáp từ ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 khi BTC về trường "giao lại" sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường.
Bức ảnh khiến dư luận xôn xao, trong đó ông Phạm Hồng Chương (đứng) và ông Lê Xuân Sơn (ngồi) bìa phải. (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Hôm nay 9/12, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp trong một phòng tiếp khách của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nơi Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà đang là sinh viên năm thứ hai. Trong đó, Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà đội vương miện, mặc áo dài màu vàng đang ngồi nghiêm trang trên một trong hai ghế chủ tọa.
Cũng trong bức ảnh này, PGS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đứng ở ghế chủ tọa bên cạnh, chắp tay phía trước với tư thế đang phát biểu.
Tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được ngồi ghế chủ toạ của buổi gặp mặt cùng với hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)
Hình ảnh về "thăm trường" lần đầu tiên sau đăng quang hoa hậu của hoa hậu vào sáng 8/12 ngay lập tức gây dư luận xôn xao trên mạng xã hội. Trong đó có những ý kiến chỉ trích, cho rằng đó là hình ảnh phản cảm, thầy "báo cáo học trò Hoa hậu" là không hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9/12, PGS-TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh đây không phải là cuộc về thăm trường của hoa hậu như các báo và mạng xã hội đưa tin.
"Sau khi chúng tôi ký quyết định cho các sinh viên tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đây là buổi BTC cuộc thi giao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường sau khi cô thực hiện các nghĩa vụ của một tân hoa hậu với các nhà tài trợ và các hoạt động thiện nguyện" - ông Chương cho hay.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho biết hình ảnh mà dân mạng cho rằng ông đứng chắp tay "khúm núm" báo cáo trước sinh viên của mình, là lúc ông đang đáp từ với ông Lê Xuân Sơn - Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường quản lý cũng như trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu cũng như một sinh viên. "Tôi đáp từ ông Lê Xuân Sơn, chứ không phải báo cáo với Hoa hậu" - ông Chương nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi có phải Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức một sự kiện lớn đón Hoa hậu, ông Phạm Hồng Chương cho hay đó là một sự kiện nhỏ, được tổ chức ấm cúng. "Chúng tôi không tổ chức hoành tráng gì. Hội trường chỉ có khoảng 100 người gồm cha mẹ, các thí sinh khác của trường cùng dự thi hoa hậu và các bạn bè cùng lớp, bạn cùng câu lạc bộ lễ tân nơi Đỗ Thị Hà từng tham gia. Đỗ Thị Hà là hoa hậu xuất thân từ nông dân nên chúng tôi chào mừng em hết sức ấm cúng, không phô trương" - ông Chương nói.
Bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ giữa ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với lãnh đạo nhà trường và hoa hậu Đỗ Thị Hà trước khi hoa hậu có buổi giao lưu nhỏ trong hội trường.
Nói thêm về vị trí ngồi ở ghế "chủ tọa" của Đỗ Thị Hà trong cuộc gặp với lãnh đạo nhà trường, ông Phạm Hồng Chương nói nhà trường quan niệm danh hiệu hoa hậu của Đỗ Thị Hà là một thành tích rất vui với nhà trường.
"Chúng tôi trân trọng bạn Hà là đúng vì bạn là một sinh viên có thành tích học tập tốt và phong cách sống chan hòa được bạn bè yêu mến… Một nữ sinh xuất phát từ nông thôn, con nông dân mà trở thành hoa hậu thì phải nói là chúng tôi rất trân trọng những người vượt qua khó khăn để đạt thành tích tốt như thế" - ông Phạm Hồng Chương nêu rõ.
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng Hoa hậu vẫn còn rất trẻ, nên "hãy vị tha với Hà. Vì tuổi trẻ không tránh khỏi những sơ suất" - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân nói.