Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bị cấm xả thải giết chết sông Cầu, bùn thải lênh láng làng nghề giấy Bắc Ninh

(VTC News) -

Cuộc sống người dân xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) rơi vào tỉnh cảnh khốn đốn do các doanh nghiệp làng nghề giấy Phú Lâm xả nước thải gây ngập úng diện rộng.

Video: Cụm công nghiệp Phú Lâm, Tiên Du chìm trong nước thải

Nhiều ngày qua, người dân xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bức xúc, phản ánh tình trạng các doanh nghiệp sản xuất giấy trong Cụm công nghiệp Phú Lâm ngang nhiên xả nước thải công nghiệp, không qua xử lý đặc quánh như bùn đen tràn ngập đường giao thông và chảy xuống hệ thống kênh tiêu thủy lợi, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong khu vực.

Phản ánh tới VTC News, bà Nguyễn Thị Luyến, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) ngao ngán cho biết, tình trạng nước thải đen ngòm ngập khắp các tuyến đường trong cụm công nghiệp mới diễn ra khoảng chục ngày nay sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh ra lệnh cấm không cho các doanh nghiệp xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê.

Bà Nguyễn Thị Luyến, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) ngao ngán khi phải sống chung với nước thải trong cụm công nghiệp Phú Lâm.

“Nước thải của các công ty không bơm ra sông nữa khiến nó tràn ra cả đường nên đi lại rất khó khăn, mùi hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi”, bà Luyến bức xúc nói.

Cũng có cùng chia sẻ về vụ việc, ông Quách Đăng Đáp, xã Phú Lâm, Tiên Du (Bắc Ninh) bức xúc cho biết, hơn 10 ngày qua gia đình ông cùng người dân địa phương và hàng nghìn công nhân phải “sống chung” với mùi hôi thối từ nước thải tràn lênh láng ra đường. Có thời điểm nước thải tràn vào cả nhà xưởng khiến việc sản xuất, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.

“Khoảng chục ngày nay, chúng tôi khốn khổ vì nước thải cứ dâng lên mãi không rút mà tràn ra cả đường ngày càng nhiều khiến các phương tiện lưu thông khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đi lại của chúng tôi”, ông Đáp bức xúc nói.

Nước thải không qua xử lý chảy ra gây ngập úng đường giao thông trong cụm công nghiệp Phú Lâm, Tiên Du.

Trước thực trạng nước thải ngập ngụa, tràn ra đường rồi lại tràn ngược vào các nhà xưởng, cơ sở sản xuất giấy ở làng nghề Phú Lâm, nhiều doanh nghiệp tại khu vực này đã phải lấy đất đắp thành các gờ cao để ngăn không cho nước thải tràn vào xưởng, nhưng đắp được chỗ nọ, nước lại tràn qua chỗ khác khiến nơi đây trở thành “vùng đất chết” khiến ai cũng phải kinh hãi khi đi qua đây.

Anh N.H.L- Chủ doanh nghiệp sản xuất giấy tại Cụm công nghiệp Phú Lâm mong muốn các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải để chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường”, Anh L. mong muốn.

 

Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Lương, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết, Cụm công nghiệp Phú Lâm có khoảng gần 30 doanh nghiệp sản xuất, tái chế giấy.

Mỗi ngày một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm trung bình sản xuất ra chừng 50-70 tấn giấy hàng hóa với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 4.000m3/ ngày đêm.

Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, lượng nước thải trên được bơm thẳng ra hệ thống thủy nông và sông Ngũ Huyện Khê.

"Sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh nghiêm cấm các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Phú Lâm xả thải trái phép ra sông Ngũ Huyện Khê từ tháng 3, các doanh nghiệp sản xuất giấy lại ngang nhiên xả thải trực tiếp ra môi trường gây ngập đường giao thông", ông Lương thông tin.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, trước thực trạng ô nhiễm ở cụm công nghiệp Phú Lâm, UBND huyện Tiên Du đã thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường ra sông Ngũ Huyện Khê như thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm, kiểm tra phát hiện 9 doanh nghiệp với 12 hệ thống máy bơm và đường ống khai thác nước mặt trên sông Ngũ Huyện Khê và công trình thủy lợi không có giấy phép khai thác.

Huyện cũng đã tổ chức tháo dỡ 12 hệ thống máy bơm và đường ống của các doanh nghiệp và 2 ống bơm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.

UBND huyện Tiên Du tháo dỡ 12 hệ thống máy bơm và đường ống của các doanh nghiệp và 2 ống bơm xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê.

Biện pháp này giúp giảm 30% tổng lượng nước thải của toàn cụm công nghiệp Phú Lâm ra môi trường xung quanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh và có hành vi xả thải gây ra tình trạng ngập úng trong và ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Theo ông Đồng, huyện Tiên Du đã triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp nhưng cách xử lý này chỉ giải quyết ở phần ngọn, còn để hiệu quả thì cần phải có quyết định đình chỉ các doanh nghiệp không đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Do đó, huyện Tiên Du đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vì hai sở này là đơn vị cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp hoạt động.

Với sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Tiên Du, tình trạng ô nhiễm ở cụm công nghiệp Phú Lâm sẽ sớm được khắc phục.

"Đầu tháng 4, UBND huyện Tiên Du đã trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất giấy tại cụm công nghiệp Phú Lâm để quán triệt và bàn biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp Phú Lâm. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND xã Phú Lâm tập trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thực hiện ngay việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép khai thác nguồn nước mặt, nước dưới đất và giấy phép xả thải ra môi trường theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh hoạt động chưa hết công suất có thể hỗ trợ xử lý nước thải cho các doanh nghiệp đang trong thời gian triển khai xây dựng (thời gian cam kết xây dựng hệ thống xủ lý nước thải là 3 tháng). Các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải đảm bảo theo quy định.

Sau khi hết thời gian cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nếu doanh nghiệp, công ty nào không thực hiện sẽ bị chúng tôi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và sẽ kiến nghị cấp trên đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đồng nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ngày 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra văn bản chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thuỷ lợi Bắc Đuống và UBND các huyện, thành phố tham mưu thành lập Tổ chức liên kết để phát hiện những trường hợp xả thải, lấy nước không đúng quy định.

Các đơn vị cần can đảm xử lý ngay từ khi mới phát hành các quy phạm pháp luật về việc lấy nước và xả thải vào công trình thủy lợi tại các cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê 1, Phong Khê 2.

UBND tỉnh Bắc Ninh ra văn bản chỉ đạo xử lý nguồn xả thải gây ô nhiễm vào hệ thống công trình thủy lợi khu vực Bắc Đuống

Đồng thời Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh giao UBND các huyện: Tiên Du, Yên Phong, TP Bắc Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thuỷ lợi Bắc Đuống rà soát, thống kê hệ thống có thể các trường hợp trong phạm vi xả nước không qua xử lý và lấy nước từ hệ thống công cộng thủy lợi; thông báo đến từng trường hợp phạm vi, đồng thời vận hành, yêu cầu các phạm vi thực hiện đúng các quy định về lấy nước và xả thải vào hệ thống thủy lợi.

"Tổ chức dỡ bỏ ngay các phạm vi công việc về lấy nước và xả bỏ sai quy định vào hệ thống thủy lợi. Thời gian xong trước ngày 30/4/2021", công văn nêu.

Tiến Dũng- Văn Chương

Tin mới