Shambhala là vùng đất được nhắc đến trong nhiều văn tự cổ xưa, trong các văn bản tiếng Phạn, thậm chí trong các bản viết tay của đạo Bon (tôn giáo cổ Tây Tạng) cũng đề cập đến Shambhala với tên gọi… “Tagzig Olmo Lung Ring”. Ngày nay, Shambhala còn trở thành chủ đề chính trong rất nhiều cuốn sách lịch sử và phim của Hollywood.
Trong số đó có bộ phim nổi tiếng với tựa đề “Lost Horizon” (Đường chân trời đã mất), sản xuất năm 1937 dựa trên một cuốn tiểu thuyết cùng tên, nói về cuộc hành trình của nam nhân vật chính bị lạc giữa một vùng núi tuyết cao ở Tây Tạng và sau đó tìm được Shambhala. Hiện nay ở Trung Quốc có một vùng đất mang tên Shangri-la (tương truyền chính là Shambhala), nhưng các nhà thám hiểm không tin nơi ấy là chốn thần bí, và vẫn tìm cơ hội khám phá vương quốc trong truyền thuyết.
Cõi tịnh độ và an nhiên
Vũ trụ tồn tại rất nhiều thế giới với tầng thứ riêng, tọa lạc tại những vị trí đặc định, mà con người muốn tìm đến đều phải đạt được một số yêu cầu nhất định. Thánh địa hay vương quốc Shambhala là một trong vô số những địa danh thần bí như thế.
Theo nhiều ý kiến, Shambhala đã bị chôn vùi đâu đó dưới những lớp tuyết dày nằm trên đỉnh dãy núi Himalaya hùng vĩ. Trong thế kỷ 20, các nhà thám hiểm đã bắt đầu hành trình tìm kiếm Shambhala tại Tây Tạng - nơi mà nhà văn James Hilton đã đưa địa danh này dưới cái tên Shangri-la vào cuốn tiểu thuyết Lost Horizon (Đường chân trời đã mất). Kể từ đó, chưa ai phát hiện được vị trí chính xác của vương quốc Shambhala, ngoại trừ thị trấn Zhongdian nằm trong khu vực biên giới giữa Trung Quốc - Tây Tạng, đã được đổi tên thành Shangri-la với ý nghĩa “vùng đất tâm linh” vào năm 2011.
Khi nhà triết học Nga Nicholas Roerich đi qua những ngọn núi rực rỡ sắc màu của Trung Á vào năm 1926, ông và những người dẫn đường bị sốc khi chứng kiến một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Đó là một quả cầu vàng đang lơ lửng trên bầu trời, di chuyển từ dãy núi Altai (nằm trên khu vực biên giới Nga, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan) đến phương bắc với tốc độ đáng kinh ngạc. Quả cầu sau đó chuyển một mạch về phía tây, rồi nhanh chóng biến mất.
Một số người cho rằng hành trình của Roerich không chỉ là một cuộc thám hiểm đơn thuần, bởi ông đang cố gắng trả lại một mảnh vỡ của tảng đá Cintamani huyền thoại (là một đồ vật của Đức Phật có thể thực hiện điều ước và là đại diện cho các giá trị cũng như giáo lý của Đức Phật) về đúng chỗ của nó ở trung tâm của vương quốc Shambhala, và quả cầu vàng là dấu hiệu của sự chào đón.
Huyền thoại về Shambhala có thể tìm thấy trong những giáo lý của Mật Tông Kalachakra, nghĩa là “những chu kỳ thời gian”, đây là một pháp tu của Mật Tông Tây Tạng. Nó là “miền đất tịnh độ”, với thành phố tròn tựa một bông sen, tồn tại trong một không gian giữa vật chất và tinh thần. Thủ phủ của Shambhala là Kalapa, nằm ở trung tâm của vương quốc, nơi mà Vương của thế giới tọa lạc trên ngai vàng của mình.
Theo giáo lý của Mật Tông Tây Tạng, chỉ những người có tâm trí trong sạch và tin vào nghiệp báo thì mới có thể nhìn thấy vương quốc này. Trong khi đó, các tín đồ đạo Bon thuở xưa cũng từng đề cập tới một miền đất bí ẩn không phải ai cũng có thể tới được, ở gần ngọn núi thánh Kailash thuộc Tây Tạng. Nơi đó được miêu tả như cõi niết bàn trong Phật giáo, nơi con người được hưởng những niềm hạnh phúc bất tận. Đỉnh núi quanh năm tuyết phủ Kailash được tín đồ đạo Phật và Ấn Độ giáo tôn kính như một nơi vô cùng linh thiêng, huyền ảo.
Theo giáo lý Phật giáo Tây Tạng, Shambhala là “cõi tịnh độ và an nhiên của phật tử chúng sinh”, đồng thời cũng là nơi nhiều giáo lý tôn giáo khác ra đời. Shambhala được coi là một vương quốc huyền thoại, nơi con người mở rộng trái tim hướng thiện và trí sáng tạo, tìm kiếm tâm linh nhằm soi sáng bước đường tương lai. Trong đạo Phật nói chung, Shambhala là nơi chào đón những Phật tử đã giác ngộ, những người luôn hướng tâm và hành động theo cái thiện. Trong Hindu giáo, Shambhala được viết thành Sambalah. Còn truyền thuyết cổ đại Trung Hoa gọi vương quốc này là “Miền đất cấm” hay “Miền đất của nước trắng”.
Đã có rất nhiều các nhà thám hiểm và đoàn người tìm kiếm cố gắng xác định vị trí của Shambhala để đưa lên bản đồ địa lý, song đều thất bại. Hầu hết mọi người đều tin rằng nó nằm ở đâu đó thuộc trung tâm châu Á, có thể là trên dãy Himalaya, hay trong một “cõi trời” ở sa mạc Gobi. Nicholas Roerich nói rằng, lối vào Shambhala được nối với một đường hầm dẫn đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Nhưng Nicholas Roerich không phải là người duy nhất tìm lối vào Shambhala. Đức Quốc xã cũng đã tìm kiếm thành phố huyền thoại này trong rất nhiều cuộc thám hiểm của họ đến Tây Tạng vào những năm 1930.
Và trong suốt hàng thế kỷ qua, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã và đang tìm kiếm vị trí thực sự của Shambhala, song họ đã ra đi mà chưa một lần trở lại. Có thể họ đã tìm thấy miền đất bí ẩn này và ở lại đó, cũng có thể họ đã bỏ mạng trong hành trình tìm kiếm ấy. Cuối cùng, vẫn chưa có một ai tuyên bố đã tìm thấy chốn thần bí ấy. Những gì còn hiện diện để con người tìm thấy nơi này chỉ là một lời tiên tri đầy ẩn ý: khi thế giới chìm trong chiến tranh và đau khổ, và tất cả bị tàn phá thì “Chúa tể của thế giới” sẽ hiện lên từ Shambhala, cùng với một đội quân hùng mạnh, sẽ xua đuổi bóng tối ra khỏi Trái Đất. Một thời đại hòa bình và thịnh vượng sẽ bắt đầu từ đó.
Thế giới dưới lòng đất
Shambhala còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như “Shangri-la” hay “Agharta”, có sức hút đặc biệt bởi những truyền thuyết thần bí Tây Tạng kể về một vương quốc đột ngột bị biến mất. Cho đến nay, những truyền thuyết bí ẩn xoay quanh vương quốc đã mất này trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những câu chuyện thú vị, và tất nhiên có vẻ rõ ràng hơn là những lời tiên tri.
Trong cuốn sách Quái thú, Nhân loại và Thần thánh, nhà văn Ferdinand Ossendowski (1876-1945) đã ghi lại những trải nghiệm thú vị của chính ông ở Nga trong suốt cuộc nội chiến tại nước này, và trong chuyến hành trình đến Mông Cổ. Nhưng nó không phải là một câu chuyện bình thường. Trong chương 46 của Vương quốc dưới lòng đất, ông kể về một sự kiện bất ngờ, lúc đó những người dẫn đường Mông Cổ đột ngột dừng lại, nhảy xuống khỏi lạc đà của họ và bắt đầu cầu nguyện, lặp đi lặp lại các từ ngữ kỳ lạ: “Om! Mani padme Hung!”.
Sau đó trong cuốn sách, Ossendowski tuyên bố đã khám phá ra “bí mật của những bí mật”, huyền thoại về vương quốc dưới lòng đất. Ông nhìn thấy một hang động, hay một “cánh cửa khói”, trong đó người địa phương cho biết một bộ lạc cổ đã chạy trốn vào nơi gọi là “vương quốc dưới lòng đất”. Cuối cùng, sau nhiều nghi vấn được đặt ra, Ossendowski đã biết được sự thật về vương quốc bí ẩn này liên quan tới Shambhala. “Đó cũng không phải là cái gì đó quá kỳ lạ. Hai đại dương lớn nhất của phương Đông và phương Tây, thuở xưa từng là hai lục địa; giờ nó đã chìm xuống đáy biển, nhưng người dân của họ đã đi vào vương quốc dưới lòng đất. Có rất nhiều người và rất nhiều dân tộc khác nhau…”.
Cho tới gần đây, nơi kỳ lạ dưới lòng đất này được biết đến là thành phố dưới lòng đất Agharta - được nhiều người tin rằng là một tên gọi khác của chốn thần bí Shambhala. Ossendowski miêu tả đây là một địa danh của những kì quan công nghệ tiên tiến (bao gồm cả đĩa bay), nơi ở của các cao tăng, nhà khoa học và siêu nhân sở hữu sức mạnh đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, ông lại không cho rằng Shambhala và Agharta là một.
Theo đó, thế giới Agharta dưới lòng đất rất rộng lớn, và Shambhala được coi là thủ đô của Agharta, mặc dù dường như nó có kiến trúc thuần phương Tây. Những cánh cổng dẫn vào thế giới dưới lòng đất được cho là tồn tại ở các địa cực, hay trong những hang động và đường hầm tổ ong trên khắp thế giới.
Một số người tin rằng có thể coi Shambhala hay Agharta là một dạng của nền văn minh, thừa hưởng từ những tàn tích của Lemuria và Atlantis - hai châu lục đã bị phá hủy mà Ferdinand Ossendowski từng nói đến trong cuốn sách của mình. Ossendowski cũng nói rằng người dân của nền văn minh này nắm giữ sức mạnh to lớn, nếu bị khiêu khích, họ có thể cho “nổ tung toàn bộ bề mặt hành tinh của loài người và biến nó thành sa mạc”. Tuy nhiên, liệu những huyền thoại và truyền thuyết cổ xưa kiểu này, hay thành phố dưới lòng đất có phải là sự thật hay không? Và bí ẩn cùng những tiên tri về Shambhala bao giờ mới được hóa giải? Câu trả lời là, chỉ có thời gian biết mọi thứ mà thôi…
Nguồn: Nguyễn Lê Mi (Công an nhân dân)