Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí ẩn trong sách lá cổ của tộc người Khùa ở Quảng Bình

Tộc người Khùa ở bản Hà Vi, xã Dân Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) còn giữ một bộ sách cổ bằng lá cây với nhiều điều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.

Tộc người Khùa là tên gọi một nhóm thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đắk Lắk. Người Khùa ở Quảng Bình sống rải rác dưới chân dãy núi Giăng Màn nằm sát biên giới Việt – Lào (huyện Minh Hoá).

Tộc người này có nhiều nét văn hoá đặc sắc với nhiều điều vẫn còn là những bí ẩn cần được giải mã. Trong đó là cuốn sách cổ viết trên là cây với những ngôn ngữ kỳ lạ có tuổi đời cả trăm năm.

 Người Khùa sống rải rác dưới dãy núi Giăng Màn ở huyện Minh Hoá (Quảng Bình).

Sách cổ viết trên lá cây

Tộc người Khùa ở bản Hà Vi (xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá) rất trân trọng bộ sách lá cổ do ông bà, tổ tiên để lại và luôn để ở nơi trang trọng nhất.

Theo ông Hồ Thoong (66 tuổi) – Trưởng bản Hà Vi, trước đây, nhà ông có 3 bộ sách lá nhưng ông đã tặng cho Bảo tàng Trung ương một bộ và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình một bộ. Hiện tại, gia đình ông Hồ Thoong lưu giữ một cuốn sách lá.

Ông Hồ Thoong cho biết, loại lá cây được sủ dụng làm sách lá là cây thốt nốt. Để làm sách, lá cây thốt nốt phải được ủ gần một năm rồi mang đi sấy khô, làm phẳng. Mực để viết lên sách lá được trộn với mật của một số loại cá sống ở khe suối để khi viết mực sẽ không bị mờ.

Sách lá có độ dày từ 150- 300 trang. Mỗi trang rộng khoảng 5cm và được viết 4 hàng chữ. Độ dài của sách khoảng 30cm đến 50cm. Họ dùng dây để xâu các trang sách lại với nhau. Hai bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ hình mái nhà và được trang trí rất công phu. Phía ngoài sách có một miếng giấy dán lên 2 thanh gỗ nhỏ ghi chữ “Phôộc năng xừ” (dịch ra là: Sách Lá), bên trong có 150 chiếc lá (150 trang) rộng chừng 5 cm được kết lại bằng hai sợi dây.

Ông Hồ Thoong là người duy nhất của tộc người Khùa ở bản Hà Vi (xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá) còn được giữ được cuốn sách lá cổ. (Ảnh: Minh Trí) 

Theo ông Hồ Thoong, sách lá của người Khùa thường được chia làm 3 bộ gồm: Bộ văn thơ; Bộ gia phả và bộ võ thuật. Những bộ sách lá có độ tuổi từ hàng trăm, thậm chí là vài trăm năm vẫn còn sáng màu mực.

Các bậc cao niên người Khùa cho rằng, sách lá không hề bị mối mọt, chữ viết luôn sáng màu mực. Chỉ có bậc cao niên trong vùng mới đọc được ký tự viết trên những bộ sách lá.

Một số nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá, các bộ sách lá của người Khùa rất quý hiếm vì chúng thường là độc bản và làm rất công phu. Người viết phải thật uyên thâm về chữ nghĩa và chữ cổ xưa có kích cỡ lớn nên mỗi lá chỉ có thể ghi tối đa được 5 hàng.

Người chép phải lựa chọn từng từ sao cho ý nghĩa súc tích, đầy đủ. Bút và cách viết cho bộ sách này cũng đặc biệt, người viết dùng mũi sắt mài thật nhọn làm ngòi bút, khắc từng chữ lên lá.

Một người Khùa am hiểu về sách lá cho biết, sách lá nhiều nhất vẫn là bộ văn thơ với những bài văn, những câu thơ của người Khùa sáng tác hay sưu tầm trong dân gian. Văn thơ trong sách thể hiện nội dung về tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống, thiên nhiên, đất nước.

Sách của người Khùa được làm từ lá cây thốt nốt. (Ảnh: Minh Trí) 

Bộ võ thuật ghi lại cách học học võ nhằm rèn luyện sức khoẻ để chống lại bệnh tật, thú rừng và kẻ thù. Bộ gia phả ghi lại dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu, khuyên răn con cháu trong nhà làm những điều lành, tránh điều ác, sống thuỷ chung…

Giải mã ngôn ngữ lạ trên sách cổ

Một số bậc cao niên trong tộc người Khùa cho rằng, chữ viết trong sách lá có thể là chữ cổ của người Lào hoặc Khmer. Do ngày trước ở vùng Y Leeng, xã Dân Hoá có một ngôi chùa cổ của các nhà sư người Lào nhưng vì chiến tranh loạn lạc, các nhà sư này đã bỏ đi. 

Trong khi đó, ông Hồ Thoong cũng khẳng định, chữ viết trên sách lá mà ông đang giữ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ từ Lào. Thời xưa, do chưa có chữ viết nên họ dùng chữ cổ của Lào và ghi chép lối sống, văn hóa, lịch sử của mình vào trong những cuốn sách lá nhằm dạy lại cho đời sau.

“Hồi chưa được học chữ quốc ngữ, ông nội có dạy về ngôn ngữ được ghi chép trong cuốn sách lá này. Tuy nhiên, thời đó, bom đạn nhiều, lúc học chỉ có đèn le lói sáng, máy bay đi qua là phải tắt đèn không sẽ bị ném bom nên sợ quá không còn muốn học nữa.

Ông nội cũng căn dặn các cháu đây là sách hiếm, sách của tổ tiên để lại, phải bảo quản nó thật tốt, phải đặt ở nơi khô ráo, không trưng ở ngoài nhà mà phải cất kĩ kẻo bị mất, hư hại”, ông Thoong nhớ lại.

 Chữ viết trên sách lá của người Khùa ở Quảng Bình xuất phát từ chữ viết cổ của người Lào. (Ảnh: Minh Trí)

Theo ông Hồ Thoong, hiện trong bản Hà Vi, chỉ còn gia đình ông là còn lữu giữ được sách lá do ông cha để lại. Bởi lẽ, thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người Khùa phải đi di tản để tránh bom đạn.

Khi ấy, những cuốn sách lá được họ cất giữ trong các hang đá ở dãy núi Giăng Màn. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc họ không quay lại lấy nên các cuốn sách đã bị thất lạc hoặc hư hại.

“Mấy anh em người Khùa sống bên Lào sang chơi khi nhìn vào văn tự cổ trong cuốn sách không thể hiểu được nội dung gì. Một số nhà văn hóa cũng đến để tìm hiểu nhưng vẫn chưa giải mã được những gì viết trong cuốn sách cổ này”, ông Thoong cho hay.

Ông Hồ Thoong cũng mong muốn, các nhà nghiên cứu văn hoá, ngôn ngữ học giúp đỡ nghiên cứu và dịch nghĩa những chữ viết trong sách lá để xem tổ tiên của người Khùa nhắn nhủ lại gì cho con cháu.

Ông Đinh Văn Dự - Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, ông từng có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa lịch sử của vùng đất, con người Minh Hóa (Quảng Bình).

“Phôộc năng xừ (sách lá) là cuốn sách đời xưa của người Khùa có học chữ Lào ghi chép bằng tiếng Lào về những chuyện của người Khùa phản ánh, ca ngợi những anh hùng đánh giặc, cứu dân, cứu nước tài giỏi, những mối tình vợ chồng thủy chung, anh em hòa thuận…

Lúc trước có nhiều cuốn sách lá nhưng nay đã bị thất lạc, có lần tôi gặp cố Hồ Phòm, cụ Hồ Kết, cụ Hồ Uôn được họ dịch lại cho một số câu chuyện trong sách lá này, nhưng nay các cụ đã mất.

Tôi chỉ ghi chép lại một số câu chuyện đó trong cuốn ‘Văn hóa dân gian Bru – Vân Kiều, Chứt ở Quảng Bình tập 1’, còn để hiểu hết về cuốn Phôộc năng xừ thì còn nhiều điều lắm, chứa những giá trị đặc sắc khác nữa”, Nhà nghiên cứu Đinh Văn Dự nói.

Video: Công nghệ nào giúp Trung Quốc bảo tồn sách cổ

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới