Đỉnh cao của phiên bản cải tiến
Sau 6 năm gián đoạn, ngày 28/5 diễn ra lễ ký kết bàn giao tàu ngầm mang tên lửa chiến lược “Hoàng tử Vladimir” tại nhà máy đóng tàu Sevmash thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống nhất.
Con tàu này được khởi công xây dựng vào năm 2012. Đến năm 2017, con tàu được hạ thủy và chạy thử nghiệm năm 2018. Trong lần thử đầu tiên, con tàu phóng tên lửa xuyên lục địa từ biển Trắng tới thao trường Kura (ở khu vực Kamchatka).
Tàu ngầm hạt nhân Hoàng tử Vladimir. (Ảnh: Russian MoD)
Tàu ngầm Hoàng tử Vladimir khác nhiều so với những “người tiền nhiệm”, kể cả về trang bị cũng như hình dáng bề ngoài. Các chuyên gia cho rằng, lịch sử phát triển của các con tàu lớp Borei là câu chuyện về sự cải tiến không ngừng.
Theo đó, 3 con tàu đầu tiên K-535 “Yuri Dolgoruky”, K-550 “Alexander Nevsky”, và K-551 “Vladimir Monomakh” có trạm phát sóng sonar thủy âm đặt ở phần mũi tàu khiến con tàu có xu hướng nghiêng về phía trước.
Còn trên tàu ngầm Hoàng tử Vladimir, phần mũi tàu được thiết kế hợp lý hơn và đặc biệt là không còn những “cái bướu” của bệ phóng tên lửa trên thân tàu. Tất cả những sự thay đổi này nhằm cải thiện hiệu suất điều khiển tàu, cũng như hiệu quả khi chiến đấu.
K-549 Hoàng tử Vladimir có thể trở thành nguyên mẫu ưu việt nhất của những con tàu tiếp theo thuộc Dự án 955 lớp "Borei".
Tàu ngầm Hoàng tử Vladimir có khả năng cơ động tốt nhất, có khả năng tác chiến ở độ sâu tốt nhất và hệ thống điều khiển vũ khí hiện đại nhất. Điều này đã được Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky tuyên bố trước đó.
Ngoài ra, tàu ngầm lớp Borei-A còn tạo cho thủy thủ đoàn điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt nhất.
Những đặc điểm như chiều dài hoặc lượng choán nước không có thay đổi nhiều so với các tàu ngầm cùng loại. Quan trọng nhất của tàu ngầm Hoàng tử Vladimir là hệ thống vũ khí bao gồm 16 tên lửa đạn đạo Bulava.
K-549 Hoàng tử Vladimir có thể là nguyên mẫu ưu việt nhất của lớp "Borei" trong Hải quân Nga.
Song một số chuyên gia đánh giá vũ khí có thể là điểm yếu nhất của dự án này. Bởi con tàu mang được ít số lượng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Theo đó, tàu ngầm chiến lược cũ lớp Ohio của Mỹ có thể mang theo tới 24 tên lửa Trident II D5. Mỗi tên lửa lớp Ohio có tới 8 đầu đạn W88 sức công phá 455 Kt, hoặc 12 đầu đạn W76 sức công phá 100Kt. Còn tên lửa Bulava trang bị trên tàu ngầm Hoàng tử Vladimir có 6-9 đầu đạn 100-150 Kt.
Nói cách khác, sức công phá của tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ vượt xa so với lớp Borei của Nga. Tuy nhiên, tất cả các tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ hoạt động từ năm 1997, và hiện khá cũ.
Tương lai của dự án Borei
Hiện nay dự án 955 chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, ngoài những chiếc đã đưa vào sử dụng, còn 6 chiếc nữa thuộc lớp này đang được phát triển. Như vậy, Hải quân Nga có ít nhất 10 con tàu loại này.
Hồi tháng 2, một nguồn tin quân sự cho biết, có khả năng Bộ quốc phòng Nga sẽ đặt mua thêm 2 tàu ngầm dự án 955A.
Tên lửa Bulava được phóng trên biển từ tàu ngầm lớp Borei A. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tuy nhiên, một tàu ngầm uy lực hơn nữa thuộc lớp “Borei-B” không được đưa vào chương trình phát triển vũ khí nhà nước giai đoạn 2018-2027, do chi phí hiện đại hóa quá cao.
Nhưng trong tương lai, theo các nguồn tin chưa chính thức, các hạm đội của Hải quân Nga có thể nhận thêm tàu ngầm lớp “Borei-K”, được trang bị tên lửa hành trình thay vì tên lửa đạn đạo như hiện nay.
Bên cạnh đó, các tàu ngầm K-329 Belgorod của Dự án 09852 và Dự án Khabarovsk 09851 có thể tiếp nhận thêm một số chức năng của tàu ngầm lớp Borei.