Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bí ẩn pho tượng đồng đen ở Quảng Trị

Bảo vật linh thiêng nhất là pho tượng bằng đồng đen kỳ bí khắc họa chân dung một vị quan đã hóa "Phật".

Bảo vật linh thiêng nhất là pho tượng bằng đồng đen kỳ bí khắc họa chân dung một vị quan đã hóa "Phật".



Hắc miếu, rùa đá ba chân khổng lồ... là những báu vật quý mang trên mình nhiều bí ẩn và có ý nghĩa tâm linh đối với vùng đất Trà Bát. Tuy nhiên, với người dân nơi đây bảo vật linh thiêng nhất phải nhắc đến là pho tượng bằng đồng đen kỳ bí khắc họa chân dung một vị quan đã hóa "Phật" trong lòng dân chúng...



Pho tượng đồng đen 500 năm tuổi



Thôn Trà Liên, thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị hiện vẫn đang lưu giữ một pho tượng cổ rất kỳ bí. Pho tượng có niên đại gần 500 năm, làm bằng kim loại có màu cánh gián và được đồn đại là tượng đồng đen.



Tượng được tạc ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi.



Pho tượng cổ 500 năm tuổi tại làng Trà Liên 

Toàn thân tượng khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn. Trên ngực có đai vòng. Trọng lượng pho tượng hơn 300kg.



Những người dân trong làng cho biết, bức tượng tạc chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tước Uy Quốc Công, là cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía Nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.



Sử cũ chép lại rằng, khi đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào đến Ái Tử thì người dân địa phương đã đón tiếp quan trấn thủ rất trọng thị và tôn xưng Nguyễn Hoàng là nhà chúa. Dân bản địa lúc bấy giờ vốn là nông dân nghèo khổ nên chỉ có quà dâng lên là bảy chiếc vò lớn đựng đầy nước mưa.



Nguyễn Ư Dĩ đã nói với cháu mình rằng, đến một vùng đất mới mà được dân tình dâng nước ấy là điềm đại cát nên phải cố mà giữ lấy. Khi Thái phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, hậu thế tưởng nhớ nên đúc tượng thờ ông. Người dân trong vùng xem ông là vị thần linh nghiệm, luôn có mặt đúng lúc giúp đỡ dân nghèo.



Bom đạn phải “chào thua”



Với bao thế hệ người dân Trà Liên đã nằm xuống và cả những người đang sống, lòng tôn kính Uy Quốc Công Nguyễn Ư Dĩ là vô bờ bến. Dân có người gọi ông là ngài, có người gọi ông là thần, rồi lập chùa Liễu Ba (hay còn gọi là Liễu Bông, Miếu Bông) thỉnh ngài vào chùa để thờ. Kể từ khi thờ pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, người dân làng Trà Liên kể rằng, họ luôn hưởng nhiều may mắn.



Ông Nguyễn Cầu (trưởng tộc Nguyễn Công, làng Trà Liên) nhớ lại, hồi xưa pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được đặt trang trọng trong đình thờ chung với bảy vị tiên thần. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước, người dân Trà Liên vẫn bảo vệ pho tượng hết sức cẩn trọng với niềm tin là "làng còn là tượng phải còn".



Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để giữ pho tượng khỏi bị mất cắp, người dân phải mang tượng "đẫm mình" dưới lòng hồ. Nghe tiếng làng có pho tượng linh nghiệm, bọn quyền thần đương thời đã cho người về lùng sục khắp làng nhưng không tìm ra pho tượng.



Lần khác, giá cổ vật trên thế giới lên cơn sốt, bọn nha lại, tay sai lùng sục khắp nơi để tìm cho được bảo vật quý bán cho bọn Tây lấy tiền đút túi. Chúng nghe tiếng pho tượng quý ở làng Trà Liên liền cho đàn em tìm đến đánh cắp.



Tuy nhiên, có một viên thơ lại trong phủ quan vốn một lòng tôn kính Nguyễn Ư Dĩ nên đã chạy lối tắt về mật báo cho người dân Trà Liên. Nghe xong, các vị bô lão trong làng huy động thanh niên đào một cái hố to trước mặt chùa, chôn pho tượng xuống cất giấu. Lấp đất xong cũng là lúc bọn lính tới, quần thảo một hồi không tìm được tượng chúng bèn tiu nghỉu kéo nhau quay về.



Trong chiến tranh, ngài đã che chở cho dân lành tránh được mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Những bậc cao lão trong làng vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện xảy ra năm 1972. Đó là ngày nắng như đổ lửa, trên trời máy bay B52, F11 thi nhau gầm rú ầm ĩ. Sau màn nhào lượn "biễu diễn" trên bầu trời, giặc bắt đầu trút cơn mưa bom xuống Quảng Trị.



Bom to, bom nhỏ đủ loại cày xới tới từng centimet đất làng, người dân đều chui xuống hầm ẩn nấp. Lúc trận mưa bom vừa dứt, người dân ra khỏi hầm trú ẩn thì toàn bộ làng mạc tiêu điều, những hố bom toang hoác chi chít khắp vùng.



Cụ Nguyễn Cầu, trưởng tộc Nguyễn Công làng Trà Liên 

Nhìn về phía chùa thì hỡi ôi ngôi chùa thiêng đã hoàn toàn bị đánh sập. Người dân Trà Liên vội gác lại việc thu dọn chiến trường, đổ xô đến ngôi chùa làng, trong lòng ai cũng lo lắng cho số phận pho tượng quý. Song phép màu đã xảy ra khi toàn bộ những pho tượng khác không bị phá nát cũng bị gãy đôi, duy chỉ có pho tượng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ vẫn uy nghi ngồi trên bệ đá. Sau sự kiện này mọi người càng tin tưởng hơn ngài có phép thuật cao nên giúp dân tránh được mọi biến cố.



Sau này khi kháng chiến về, phong trào bài trừ mê tín dị đoan được phát động mạnh mẽ nên sự linh thiêng của pho tượng cổ cũng bị coi nhẹ phần nào. Có một lần, dân quân du kích tập trận ở cánh đồng trước mặt ngôi chùa đã đổ nát.



Không có bia tập bắn, nên khi thấy pho tượng đặt trên đá họ liền đem đặt lên trên bờ tường làm... bia ngắm bắn. Tuy nhiên, từ lính mới cho đến xạ thủ kỳ cựu của đội du kích đều không thể nào bắn trúng được pho tượng. Điều kì lạ này đến nay vẫn được các cựu chiến binh kể lại cho con cháu trong làng nghe.



Chuyện cười ra nước mắt của kẻ ủ mưu "sờ" tượng



Không chỉ miễn nhiễm với bom đạn, pho tượng cổ còn là hung thần của bọn đạo chích. Có một lần pho tượng đã bị kẻ xấu đánh cắp, ấy là vào năm 1975. Nghe tin pho tượng quý bị mất, người dân làng Trà Liên tỏa đi tìm suốt mấy ngày, dùng cây sắt nhọn để xăm vào từng vuông đất kiểm tra. Cuối cùng, bà con phát hiện pho tượng nằm ở bờ sông Ái Tử, trong tình trạng bị kẻ xấu cố tình chôn dưới cát. Sau khi tìm ra, pho tượng được đưa về thờ trong nhà bia, đặt tại gần đầu làng.



Năm 1989, kẻ gian lại tìm đến nơi thờ pho tượng để lấy cắp, nhưng chẳng hiểu vì sao, khi kẻ gian gánh pho tượng ra khỏi bệ thờ thì bỗng dưng trời nổi dông, sấm chớp liên hồi. Tiếp theo đó là một trận mưa rất to nên kẻ gian không thể mang pho tượng đồng tạc hình quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đi.



Đến lúc trời sáng, người dân phát hiện pho tượng nằm chỏng chơ trên cỏ trong tình trạng bị kẻ gian cưa mất hai dải bách trên chiếc mũ. Người dân trong làng đã đốt nhang thơm khấn vái rồi thỉnh ngài trở lại bệ thờ... Từ đó, dân làng Trà Liên xây kín ba mặt của nhà thờ tượng, chỉ để lại một phần nhỏ mặt tiền, rồi cử hẳn ông từ của làng canh gác hàng ngày.



Người dân cho biết, mãi sau này mới xác định được danh tính của kẻ "to gan, lớn mật" dám ủ mưu đánh cắp pho tượng quý của làng. Tuy nhiên, cả hai người này giờ đều đã bị thần linh trừng phạt, làm ăn thất bát, ốm liệt giường mấy năm nay...



Liên quan đến việc "mạo phạm" pho tượng cổ, ông Nguyễn Huỳnh, trưởng thôn Trà Liên còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện đặc biệt hi hữu. Đó là vào tháng 8/2006, không biết từ đâu xuất hiện một đoàn gồm năm người đến đập bệ bê tông, định khiêng pho tượng lên khỏi bệ thờ của làng.



Vừa mới đập xong bệ bê tông thì dân làng Trà Liên đã "khua chiêng, gõ mõ" bao vây tứ phía. Cả năm kẻ mạo phạm bị gô cổ, trói đứng giữa đồng. Năm người bị bắt trói mặt tái mét trong khi dân làng thì hoan hỉ vì "chiến công" mới lập được.



Chỉ đến khi, công an và chính quyền về hiện trường thì mới tá hỏa, năm tên "kẻ trộm" chính là đoàn chuyên gia khảo cổ của tỉnh, gồm ông Lê Đức Thọ, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị và bốn nghệ nhân đúc tượng ở Nam Định.



Đoàn công tác đang tiến hành đo kích thước tượng thật để làm khuôn đúc một bức tượng khác nhằm trưng bày ở bảo tàng tỉnh. "Ý tưởng thì rất tốt nhưng tiến hành làm lại không xin phép làng Trà Liên nên ai biết, dân mình tưởng bọn trộm cổ vật nên mới bắt trói lại chứ...", ông Huỳnh cười xòa cho biết.



Còn đối với giới khảo cổ miền Trung, đó thực sự là một câu chuyện cười ra nước mắt mỗi khi nhắc lại và không thể nào quên trong cuộc đời của họ.


 

Theo lời kể của dân địa phương, năm 1972, một đơn vị bộ đội ra đa về đóng doanh trại ngay bên cạnh vị trí đặt pho tượng.



Chẳng hiểu vì lý do gì mà từ lúc đến đây hệ thống máy móc của đơn vị này không bắt được sóng, sửa mãi không xong nên các anh đành phải dời đến đóng trại ở địa phương khác thì chuyện bắt sóng lại trở nên dễ dàng.



Người ta cho rằng người xưa đã dùng đồng đen để đúc tượng quan Thái phó vì vậy mà pho tượng đã làm nhiễu sóng ra đa.


Theo Bạch Hưng (ĐS&PL)


Nguồn:

Tin mới