Theo nhiều ghi chép của các nhà sử học, hiện tượng mưa máu đã được nhắc đến từ rất lâu, ví như vào thời Hy Lạp cổ đại với những miêu tả của nhà thơ Homer trong thiên trường ca Iliad nổi tiếng. Theo đó, vị thần Zeus tối cao trên đỉnh Olympic đã tạo ra cơn mưa máu đỏ thẫm để cảnh báo một trận chiến lớn sắp xảy ra dưới trần gian.
Ngoài ra, một số tài liệu khác được tìm thấy trước Công nguyên cũng nhắc đến sự hiện diện của hiện tượng này. Đến thời trung cổ, người ta vẫn tiếp tục chứng kiến những cơn mưa màu đỏ từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, niềm tin cho rằng mưa máu đem lại điềm gở cho nhân loại đã xuất hiện trong phần lớn cộng đồng người dân ở phía Bắc và Tây Âu. Giai đoạn hai năm 1348 – 1349 là thời kỳ đen tối ở Đức khi “Cái chết đen” hoành hành trên khắp mọi miền đất nước, và điều đặc biệt hơn khiến người ta phải quan tâm chính là sự xuất hiện của một cơn mưa máu kéo dài hơn 2 ngày.
(Ảnh: Foreign Student)
Ngày nay, tại thời điểm mà khoa học và công nghệ đã phát triển vượt bậc, những cơn 'mưa máu' vẫn liên tục xuất hiện thôi thúc các nhà khoa học đi tìm lời giải.
Đặc biệt nhất có lẽ là những trận ‘mưa máu’ ở Ấn Độ. Ngày 25/7/2001, trận mưa màu đỏ thẫm trút xuống nhiều khu vực thuộc bang Kerala, Ấn Độ và tiếp tục xuất hiện hôm 23/9/2001. Sáng ngày 5/7/2012, trận mưa kỳ lạ xuất hiện tại thành phố Kannur và kéo dài trong 15 phút. Một cơn mưa máu khác cũng đã trút xuống tại chính bang này vào năm 2013. Người dân địa phương hoảng sợ thấy các khoảng sân chuyển sang màu đỏ như máu sau trận mưa. Nhiều người đã suy đoán đây có thể là sự trừng phạt của thần linh.
Vào năm 2008, tại cụm dân cư La Sierra, Choco (Columbia) đã diễn ra một cơn mưa kỳ lạ có màu đỏ kéo dài gần nửa giờ đồng hồ. Điều này khiến nhiều giáo sĩ trong làng khẳng định đây là lời cảnh báo cho tội lỗi của loài người. Nhưng trên thực tế, không ai biết nguồn gốc của nó từ đâu mà ra.
Năm 2015, một cơn mưa rào nhuộm màu đỏ máu đã ào xuống nước Anh sau nhiều ngày nắng nóng. Được biết, đây không phải lần đầu tiên mưa máu xuất hiện tại Anh.
Trận mưa máu tại Ấn Độ năm 2001.
Giải mã cơn ‘mưa máu’
Không tin vào những lập luận mê tín dị đoan, nhiều nhà khoa học đã nỗ lực tìm ra câu trả lời cho các hiện tượng bí ẩn này. Với sự phát triển của phương pháp nghiên cứu hiện đại, hiện tượng dần được giải thích bằng các nguyên nhân hợp lý hơn.
Về cơn mưa máu rơi xuống các khu vực thuộc bang Kerala, cơ quan khí tượng bang này khẳng định, mưa màu đỏ là hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy song không nguy hiểm. Màu đỏ của nước mưa là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí.
Những chất gây ô nhiễm bị hòa tan trong nước mưa khiến nước chuyển sang màu đỏ", ông M Santhosh, Giám đốc Cơ quan Khí tượng bang Kerala, giải thích. Trong khi nguyên nhân gây ra hiện tượng tương tự vào năm 2013 được cho là do gió mạnh có thể đã cuốn những bào tử tảo đỏ ngoài biển lên những đám mây gây mưa.
Còn cơn mưa máu xuất hiện trên đất Anh được lý giải do nước mưa trộn lẫn bụi từ sa mạc Sahara khiến nó có màu đỏ giống như máu. Điều này được chứng thực ở những nơi có mưa nhẹ, khi người ta có thể tận mắt trông thấy đám bụi rơi xuống và phủ lên kính chắn gió và thân xe ô tô.
Thực ra, mưa trên trái đất không chỉ có màu đỏ mà còn có thể mang màu sắc hơn như vàng, đen và trắng đục như sữa. Các cách giải thích phổ biến nhất về những màu mưa bất thường bao gồm sự xuất hiện bào tử của tảo trong không khí; bụi và một số hóa chất gây ô nhiễm hòa tan trong nước. Chẳng hạn, phấn hoa tạo ra mưa màu vàng, bụi mỏ than gây mưa màu đen.
Dù đã được không ít các nhà khoa học khẳng định không ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên, huyền bí nhưng hiện tượng "mưa máu" vẫn là lời cảnh báo đầy sức nặng về những vết thương chằng chịt trên mình trái đất.