Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ảnh: Tận thấy loài 'khuyển binh' từng giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh

(VTC News) -

Giống chó Lài sông Mã chính là 'khuyển binh' từng giúp vua Lê đánh đuổi giặc Minh.

Nằm yên bình trong thung lũng của một trang trại ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), khu nuôi nhốt bán tự nhiên dòng chó Lài sông Mã của anh Trần Anh Tuấn (Tuấn Lài) không đồ sộ như những khu nuôi nhốt khác. Ở đây, Tuấn chỉ nuôi 7 chú chó Lài mà anh dày công săn đón nhiều năm nay. Bỏ Hà Nội về huyện miền núi này sống, Tuấn muốn thỏa niềm đam mê cháy bỏng với một trong "tứ đại khuyển vương" này. Chàng trai 35 tuổi từng nuôi 3 dòng khuyển vương còn lại, nhưng sau đó anh bỏ hết để toàn tâm, toàn ý nuôi dòng chó Lài sông Mã, cũng là vì bản tính thuần Việt và lịch sử hào hùng của dòng chó này.

"Giống chó Lài là một trong 'tứ đại quốc khuyển' của Việt Nam. Hiện nay, giống chó thuần chủng rất hiếm và quý giá, như chú chó Lửa của tôi phải đàm phán với chủ cũ 3 tháng mới mua lại được. Tôi thật sự mong muốn loài chó này được mọi người công nhận là một chú chó bản địa với tiểu sử và nguồn gốc lâu đời cùng với bản năng ưu việt của chúng", anh Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Chó Lài Sông Mã là dòng chó săn cổ bản địa Việt Nam có nguồn gốc thuần Việt từ hàng trăm năm qua. Chó Lài có môi trường sống ở vùng cao trong một vài địa bàn hẹp ở vùng đất Lam Sơn (Phía tây Thanh Hoá) dọc theo thượng nguồn sông Mã và một số bản làng xa xôi hẻo lánh vùng biên miền Bắc. Chó Lài khác với giống Dingo Đông Dương thường phân bố ở vùng hạ lưu sông Mã. Trong Đại Việt thông sử (tên gọi khác là Lê triều thông sử) của tác giả Lê Quý Đôn có nêu rõ: đầu thế kỷ 14, dòng chó bản địa này được vua Lê Lợi nuôi chọn lọc giống để tạo ra một đàn chó săn phục vụ trong quân đội và hỗ trợ con người trong việc đi săn.

Dòng chó Lài có mặt tam giác dài về phía mũi, và quan sát chính diện khuôn mặt đều là hình tam giác. Tai lưỡi mác 2 bên hộp sọ, tai chó Lài như một chiếc radar (khác dingo Đông Dương tai vỏ sò nằm cố định trên đỉnh sọ) tạo khuôn mặt thanh tú. Đỉnh sọ hình nón cao kiểu chó sói. Mắt xếch, viềm mắt sẫm màu, màu mắt chủ yếu đỏ và hổ phách, không có màu xanh kiểu chó tây. Mõm trên dài hơn mõm dưới, hàm răng cắt kéo. Trọng lượng chó cái khoảng 18kg và chó đực 26kg. Chiều cao với khoảng 60cm, chiều dài 1,2m -1,4m tính từ mõm đến đuôi.

Bờm lưng và lông mình phía ngoài của dòng chó Lài khá thô cứng, có nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể chống chịu được thời tiết sương gió, lớp trong mềm mại giữ ấm cơ thể, về mùa đông lông dài, mùa hè lông sát. Đuôi bông lau và cũng là bánh lái. Ngực nhìn góc nghiên rộng, góc trực diện chữ V úp giúp di chuyển luồn lách ở địa hình núi ưu việt. Bàn chân tròn, có màng chân, bàn chân trước xoay linh hoạt như cổ tay người, các bước chân di chuyển trên một đường thẳng. Rượt đuổi mồi theo hình rích rắc hoặc quay đầu đuổi theo con mồi rất khéo léo, leo chèo và bơi lội giỏi .

Sách Đại Việt thông sử viết: "Năm 1409, đàn chó được vua Lê Lợi giao cho người con nuôi của mình là Nguyễn Xí (Lê Xí) khi đó mới 9 tuổi chăm nuôi huấn luyện, Nguyễn Xí dùng chuông làm hiệu lệnh, đàn chó ăn ngủ, tiến lui răm rắp, trăm con như một. Vua cho đây là người tương lai làm tướng giỏi nên rất tin yêu truyền dạy rèn giũa thêm võ gia truyền".

Mùa xuân năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định Vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí và anh trai Nguyễn Biện cùng tham gia. Lúc đó ông tròn 18 tuổi, anh trai ông tròn 22 tuổi. Nhà vua giao Nguyễn Xí làm đại tướng, sai quản đội Thiết đột thứ nhất. Sách Đại Việt thông sử viết: "Quân Thiết đột là đội quân tinh nhuệ, nhanh và mạnh. Binh sĩ thao lược hơn người, lại có khả năng điều khiển khuyển binh, ngựa chiến, voi chiến mang giáp sắt, làm nhiệm vụ luồn sâu vào đội hình địch, chia cắt, gây rối loạn quân địch từ bên trong để các quân khác đánh từ bên ngoài vào".

Chính sử không ghi chép cụ thể nhưng nhiều giai thoại nhắc tới sự đóng góp của đội quân đặc biệt này. Khi quân Lam Sơn 3 lần bị vây hãm tuyệt lương trên núi Chí Linh (nay là núi Pù Rinh, xã Giao An, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa), tướng Nguyễn Xí đã điều khiển đàn chó đi săn thú, bắt chim về làm thức ăn cho nghĩa quân.

Giai thoại khác cho hay, có lần Nguyễn Xí cho buộc vào cổ đàn chó những chiếc đạc ngựa rồi đem quân vây trại giặc Minh vào đêm sương mù, vừa cho đánh trống hò reo ầm ĩ, vừa xua chó chạy quanh trại. Quân Minh nghe tiếng đạc ngựa, lại thấy tiếng trống thúc, quân reo tưởng Vua Lê đến cướp trại nhưng không rõ binh lực thế nào nên không dám ra đánh, chỉ dùng cung nỏ bắn ra như mưa. Nhờ thế, đội quân Lam Sơn thu được hàng vạn mũi tên, còn nhà Minh bị một đêm hoảng loạn. Kế sách này của Nguyễn Xí được nghĩa quân Lam Sơn và dân chúng hết lời ca ngợi, ví như mưu của Khổng Minh đã dùng người rơm để "mượn tên" của quân Tào trên sông Xích Bích thời Tam Quốc.

Giai thoại dân gian còn nói, có thời điểm đội khuyển binh này có số lượng lên tới 500 con, trở thành đội quân thiện chiến thần kì, góp công lớn vào việc chiến thắng giặc Minh trong lịch sử.

Cũng từ đó, những chú chó Lài được đem lên các vùng biên cùng quân lính canh giữ biên cương. Bởi vậy hậu duệ của chúng ngày nay được phát hiện chủ yếu ở biên giới phía Bắc và căn cứ Lam Sơn xưa. Chó Lài được những chiến binh Đại Việt rất tôn thờ, người xưa từng phát hiện ra mộ chiến binh được táng cùng chó ở Đa Bút, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Có nhiều kiểu dao găm, rìu chiến loại ngắn, lược, ca uống nước, vòng giáp tay, hoạ tiết mặt trống đồng được đúc hoặc điêu khắc hình chó Lài.

Chó Lài có sự kết nối với chủ rất cao, từ sự kết nối ấy sẽ sinh ra lòng trung thành phục vụ chủ nhân. Chúng là người bạn đồng hành không bao giờ bỏ rơi chủ, tính cách hơi trầm, sự trưởng thành về hình thể và định hình tính cách trong 3 năm đầu tiên sẽ cho ra một con chó hoàn thiện về cả vẻ đẹp hình thể và nội dung tính cách bên trong.

Nhật Vũ

Tin mới